Mới đây Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính đề nghị không tăng mức thuế nhập khẩu đối với hai mã HS 3902.10 và 3902.30 thuộc nhóm hạt nhựa PP từ mức hiện tại 3% lên 6% và 6,5%, như đề xuất của Công ty TNHH Hyosung Việt Nam. Việc này theo VPA là để không ảnh hưởng đến đến giá thành đầu vào của nhiều ngành sản xuất trong nước, nhất là ngành nhựa trong bối cảnh dịch Covid đang hoành hành tại Việt Nam.

Phân tích cụ thể, VPA chỉ ra, khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu nhựa Polypropylen (PP) tại Việt Nam hiện nay theo công suất thiết là 850.000 tấn/năm. Trong đó, Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Bình Sơn 150.000 tấn/năm, Công ty Lọc Hóa dầu Nghi Sơn 400.000 tấn/năm và Công ty TNHH Hyosung Việt Nam 300.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, do Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn có cam kết xuất khẩu hằng năm 300.000 tấn ra nước ngoài, nên tổng sản lượng PP cung ứng cho nhu cầu trong nước chỉ còn 550.000 tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu mà các doanh nghiệp ngành nhựa sử dụng nguồn nguyên liệu PP trong năm 2020 khoảng 1,85 triệu tấn, trong đó có 1,43 triệu tấn PP được nhập khẩu với tỉ lệ 30% từ các nước ngoài khu vực ASEAN, 70% từ các nước có ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

VPA tính toán và dự báo rằng, trong năm 2021 các doanh nghiệp sẽ tiêu thụ khoảng 2,045 triệu tấn nguyên liệu PP; năm 2022 là 2.249.820 triệu tấn; năm 2023 tăng lên 2.474.802 triệu tấn; năm 2024 sẽ vào khoảng 2.722.282 triệu tấn và đến năm 2025 là 2.994.510 triệu tấn.

Với mức dự đoán như trên, khả năng đáp ứng cho nguồn cung PP trong nước chỉ đạt khoảng 41,55% nhu cầu. Còn nếu dựa trên công suất thực chạy, nguồn cung chỉ thực đáp ứng khoảng 26,89% nguyên liệu PP trong năm 2021 cho các doanh nghiệp. Và đến năm 2025 sẽ chỉ đáp ứng khoảng 28.38% nhu cầu theo công suất thiết kế, 18.37% theo công suất chạy thực tế.

Trên thực tế, nếu tính theo giá nhập khẩu nguyên liệu PP hiện tại đang ở mức khoảng 1.300 USD/tấn, thì khi tăng thuế nhập khẩu từ 3% lên 6% chi phí phát sinh tiền thuế nhập khẩu từ các nước Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc… phải chi trả dự kiến trong 5 năm tới là trên 3.000 tỷ đồng.

Mặc dù khi tăng thuế nhập khẩu, các doanh nghiệp có thể chuyển sang mua nguyên liệu PP từ các nước trong khu vực FTA. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam khi ấy không thể mua nguyên liệu PP với giá như trước đây (mặc dù thuế suất thuế nhập khẩu từ khu vực này là 0%) vì khi đó người bán sẽ nâng giá bán lên tương ứng với giá của các nước ngoài khu vực FTA. Và khi đó, chi phí phát sinh mà các doanh nghiệp phải chi trả dành cho các nước trong khu vực FTA dự kiến trong 5 năm tới sẽ là 6.984 tỷ đồng. Điều đáng nói, khoản chi phí này Nhà nước hoàn toàn không thu được mà các nước trong khu vực FTA sẽ được hưởng lợi toàn bộ khoản này.

Theo ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch VPA, khi giá thành nhập khẩu nguyên liệu PP tăng, trong khi nguyên liệu PP sản xuất trong nước không đáp ứng nhu cầu, tất yếu sẽ dẫn đến là giá nguyên liệu PP phục vụ sản xuất hàng hóa tăng, hệ quả là giá thành sản phẩm tăng, không cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Để có thể bán được hàng, doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước phải giảm giá bán để cạnh tranh, doanh số bán giảm, lợi nhuận thấp dẫn đến các khoản nộp ngân sách nhà nước giảm.

Ông Hồ Đức Lam nhấn mạnh, dưới tác động của đại dịch Covid 19 đang hoành hành tại thời điểm này, thì việc tăng thuế sẽ là cú “hạ gục” cho toàn bộ ngành sản xuất bao bì nhựa Việt Nam nói riêng và ngành nhựa Việt Nam nói chung… Đó là chưa kể, việc tăng thuế nguyên liệu PP giai đoạn này vô tình tăng thêm sức mạnh cho hàng ngoại trong việc chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam, giảm số thu ngân sách, nguy cơ doanh nghiệp nội địa sản xuất hàng hóa từ nguyên liệu PP phá sản, người lao động mất việc, an sinh xã hội bị ảnh hưởng.

Đây không phải là lần đầu VPA không tán đồng với đề xuất tăng thuế nhập khẩu này, trước đó thời điểm cuối năm 2019 VPA cũng đã từng phản đối với đề xuất điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng Polypropylen (hạt nhựa PP thuộc nhóm HS 3902) từ 3% lên 5% khi Bộ Tài chính đã có công văn gửi VPA xin ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP.

T/h