Báo cáo của
Ember, công bố hôm 16-11, ghi nhận tổng sản lượng điện mặt trời và điện gió của
ASEAN tăng từ mức chỉ 4,2 TWh trong năm 2015 lên hơn 50 TWh hồi năm ngoái, phần
lớn nhờ chính sách khuyến khích triển khai năng lượng tái tạo của các chính phủ
trong khu vực.
Tuy nhiên,
tốc độ tăng trưởng sản lượng điện mặt trời và điện gió ở ASEAN đang chậm lại,
chỉ còn 15% vào năm 2022 so với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 43% kể
từ năm 2015.
“Chúng tôi
đã chứng kiến một số tiến bộ to lớn về phát triển năng lượng sạch ở một số nước
ASEAN, được hỗ trợ bởi các chính sách mạnh mẽ”, tiến sĩ Dinita Setyawati, nhà
phân tích chính sách điện lực cấp cao của Ember, tác giả báo cáo nói.
Hôm 9-11, Indonesia đã khai trương nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất
Đông Nam Á ở hồ chứa Cirata, tỉnh Tây Java. Ảnh: AFP
Setyawati
đánh giá, điện mặt trời và điện gió là những công nghệ hứa hẹn nhất có khả năng
tạo ra thị trường mới, thúc đẩy việc làm, tạo điều kiện chuyển đổi năng lượng
công bằng và đảm bảo một ASEAN an toàn về năng lượng.
Báo cáo của
Ember xác định, Việt Nam là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của ASEAN trong
những năm qua, chiếm 69% tổng sản lượng điện mặt trời và điện gió của khu vực
năm 2022.
Năm 2017,
Việt Nam ban hành cơ chế biểu giá điện hỗ trợ (FIT), mở ra kỷ nguyên vàng cho
năng lượng mặt trời trong nước. Đầu tư tăng lên nhanh chóng sau khi các chủ sở
hữu nhà máy điện mặt trời được đảm bảo mức giá cố định và hấp dẫn cũng như nhận
được các ưu đãi thuế.
Tuy nhiên,
FIT bị loại bỏ dần từ năm 2021 đến năm 2022 và điều đó là yếu tố chính dẫn đến
sự chậm lại chung của tốc độ tăng trưởng năng lượng mặt trời trong khu vực, báo
cáo của Ember cho biết.
Dù vậy, sản
lượng điện mặt trời và điện gió vẫn chiếm 13% tổng sản lượng điện của Việt Nam
hồi năm ngoái, tỷ trọng cao nhất ở Đông Nam Á. Xu hướng tăng trưởng điện mặt trời
và điện gió của khu vực không nhất thiết phản ánh xu hướng tăng trưởng của các
nước cụ thể.
“Nếu nhìn
vào xu hướng của từng nước, tốc độ tăng trưởng sản xuất điện mặt trời tăng vào
năm 2022 so với năm 2021 ở Indonesia, Philippines, Thái Lan và Singapore”,
Setyawati nói.
Theo
Ember, Thái Lan có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn nhất và công suất điện gió
tiềm năng lớn thứ ba trong khu vực. Năm 2022, nước này đóng góp 16% tổng sản lượng
điện mặt trời và điện gió của ASEAN.
Thái Lan
có nhu cầu điện bình quân đầu người cao gần gấp đôi mức trung bình của ASEAN.
Tình trạng phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch thúc đẩy Thái Lan tăng tốc sản
xuất năng lượng sạch,.
Chính phủ
Thái Lan có kế hoạch bổ sung công suất mới từ các nhà máy điện sản xuất năng lượng
tái tạo vào năm 2037, cũng như triển khai cấu trúc giá mới cho năng lượng tái tạo.
Theo báo
cáo của Ember, Philippines là nước sản xuất nickel lớn thứ hai ở Đông Nam Á nên
nhu cầu năng lượng từ ngành khai thác mỏ tăng mạnh. Do đó, sự phát triển của
năng lượng tái tạo mang lại cơ hội cho quá trình khử carbon trong ngành này.
Năm ngoái, Philippines đóng góp 5% tổng sản lượng điện mặt trời và gió của
ASEAN.
Ember dự
báo, sản lượng điện mặt trời và điện gió của khu vực sẽ tăng trưởng tích cực trở
lại trong năm 2023. Điều này là nhờ các dự án điện mặt trời lớn được đưa vào vận
hành, bao gồm nhà máy điện mặt trời nổi 192 MW của Indonesia bắt đầu hoạt động
vào đầu tháng 11. Trong khi đó, Thái Lan triển khai cơ chế FIT cho năng lượng
tái tạo hồi năm ngoái. Việt Nam đang đề xuất cơ chế đấu giá để phát triển các dự
án năng lượng tái tạo.
Báo cáo của
Ember lưu ý, hơn 99% tiềm năng về điện mặt trời và điện gió của ASEAN vẫn chưa
được khai thác. “Các nước ASEAN có truyền thống dựa vào nhiều nguồn năng lượng
khác nhau như khí đốt, than hoặc thủy điện để định hình cấu trúc năng lượng của
từng quốc gia”, Setyawati nói và cho biết thêm, lưới điện trong khu vực quá phụ
thuộc vào các nhà máy điện lớn để truyền tải điện.
Trong
tương lai, bà cho rằng, sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ và cam kết của chính phủ vẫn
rất quan trọng để thúc đẩy tiến bộ trong việc triển khai năng lượng tái tạo ở
ASEAN.
“Khu vực
ASEAN kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng năng lượng sạch thông qua sự hỗ trợ chính
sách như cơ chế đấu giá ở Việt Nam, giá điện xanh ở Malaysia cùng các ưu đãi về
hệ thống năng lượng mặt trời áp mái và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng bằng
pin ở Thái Lan”, theo báo cáo của Ember.
Theo SGT