Nhiều bệnh viện ở Việt Nam đã ứng dụng thành công các kỹ thuật khó, tiên tiến trên thế giới trong ghép tạng, điều trị tim mạch, ung thư, sản phụ khoa, răng hàm mặt. Sự phát triển này không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong nước mà còn thu hút nhiều người bệnh nước ngoài sang Việt Nam khám, chữa bệnh.

Nhiều kỳ tích

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - chia sẻ: Tôi nhận được thư cảm ơn của một sư thầy người Việt đang định cư ở châu Âu. Trong lần trở về Việt Nam, sư thầy đã tin tưởng lựa chọn Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để phẫu thuật căn bệnh thoát vị đĩa đệm đa tầng mà ở châu Âu các bác sĩ đã khuyên sư thầy nhập viện càng sớm càng tốt. Sư thầy chọn Việt Nam để phẫu thuật vì niềm tin vào sự tiến bộ của y tế quê hương. Vết sẹo mổ tối thiểu sau gáy sẽ là kỷ niệm đẹp sư thầy mang về nơi định cư. Nước ta có nhiều chuyên gia y tế, bác sĩ giỏi đứng ngang hàng với đồng nghiệp ở các nước tiên tiến, có khả năng làm chủ các kỹ thuật cao ngang tầm thế giới. Trong đó, có nhiều chuyên ngành, lĩnh vực y khoa, do chính các bác sĩ Việt Nam làm thầy, chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ của các nước.

Đơn cử, GS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia - cùng kíp can thiệp đã tiến hành các phương pháp đánh giá hình ảnh và sinh lý hiện đại là siêu âm trong lòng mạch (IVUS) để đưa ra được chiến lược can thiệp tối ưu nhất. Thành công của ca can thiệp phức tạp đã được các chuyên gia hàng đầu trong khu vực và bạn bè quốc tế đánh giá cao về chuyên môn và sự hội nhập toàn diện của các bác sĩ Việt Nam.

Ca phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị u nang ống mật cho bệnh nhi người nước ngoài do PGS.TS Trần Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - thực hiện thành công gần đây đã khẳng định vị thế, uy tín của Y học Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tại Việt Nam, PGS.TS Trần Ngọc Sơn hiện là một trong hai bác sĩ đi đầu thế giới về thực hiện kỹ thuật phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ.

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cũng là một trong những chuyên ngành mà Việt Nam đang có chỗ đứng trên bản đồ Y khoa thế giới.

26 năm qua, từ khi ba em bé đầu tiên được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ở Bệnh viện Từ Dũ - TPHCM vào năm 1998, đến nay, Việt Nam được biết đến là nơi tiến hành các ca thụ tinh trong ống nghiệm nhiều nhất Đông Nam Á với hiệu quả cao.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường - Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM - một thành viên nhóm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam - cho biết, tỉ lệ thành công khi thực hiện IVF tại Việt Nam từ 40 - 45%, chi phí chỉ bằng 1/3 so với nhiều nước trong khu vực. Chi phí thấp, bác sĩ có trình độ tay nghề cao là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người nước ngoài và Việt kiều tìm về Việt Nam để khám và điều trị.

Hơn 30 năm qua, kể từ ca ghép tạng đầu tiên (năm 1992) đến nay, các cơ sở y tế ở Việt Nam đã thực hiện thành công hơn 8.000 ca ghép tạng. Trong số đó, nhiều nhất là ghép thận, gan, tim, phổi; thận - tụy... Trình độ ghép tạng của Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới. Ngay ngày 30 Tết Giáp Thìn vừa qua, 8 cuộc đời đã hồi sinh từ nguồn hiến tạng của người cho chết não. Trong đó, các bác sĩ đã tiến hành lấy - ghép 8 mô tạng gồm: Tim, gan, thận, thận - tụy, 2 tay, 2 giác mạc. Cùng với việc lấy - ghép các mô, tạng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 còn bảo quản và điều phối lá phổi của người hiến cho Bệnh viện Phổi Trung ương để ghép phổi cho một bệnh nhân trẻ bị bệnh lý hiếm gặp, tổn thương nghiêm trọng hai phổi.

Nối dài bàn tay ra thế giới

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, du lịch chữa bệnh là một hướng đi mà nhiều nước đã triển khai như: Singapore, Thái Lan, Nhật, Hàn... Nhiều bệnh viện của chúng ta đã cải tiến về dịch vụ, do đó chỉ cần xây dựng quy trình, truyền thông chăm sóc khách hàng và sự tham gia của chính quyền về mặt cơ chế hỗ trợ. Chắc chắn sẽ có không chỉ một mà nhiều bệnh viện thành công.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - nhận định: Những năm gần đây, chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế trong nước đã phát triển rõ rệt. Các bác sĩ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao, đào tạo bài bản, làm chủ nhiều kỹ thuật phức tạp ngang tầm thế giới (sử dụng robot, phẫu thuật nội soi, ghép tạng…). Điều đặc biệt, chi phí thấp hơn các nước chính là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người nước ngoài đến Việt Nam khám và chữa bệnh.

Tuy nhiên, theo ông Lương Ngọc Khuê, mỗi năm, người Việt vẫn chi 2 tỉ USD ra nước ngoài để khám, chữa bệnh. Bộ Y tế đã phải đưa mục tiêu thay đổi về phân bổ ngân sách và đầu tư để giữ chân những người bệnh giàu có ở lại điều trị trong nước, đồng thời thu hút nửa triệu người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sử dụng dịch vụ y tế tại Việt Nam, thay vì di chuyển sang các nước trong khu vực hoặc về nước.

Theo chỉ tiêu của đề án, đến năm 2030, tỉ lệ bệnh viện tuyến Trung ương được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 95%; tỉ lệ tỉnh/thành phố có bệnh viện được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 80% và tỉ lệ người nước ngoài khám, chữa bệnh tại Việt Nam tăng trưởng hằng năm từ 1% trở lên.

BLĐ