Ngày 30.6, trên mạng xôn xao video về nhóm công nhân bị công ty môi giới lao động "xù lương", khiến nhiều công nhân lâm vào cảnh khó khăn. Theo xác minh của phóng viên Báo Lao Động, sự việc xảy ra đối với nhóm công nhân làm việc tại nhà xưởng sản xuất quạt của một công ty trong khu công nghiệp Đại Đăng, phường Phú Tân, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Tiền lương chưa được trả rơi vào tháng 5.2022. Có khoảng 20 lao động, mỗi lao động bị “xù” từ 5-9 triệu đồng.

Theo phản ánh của chị Bùi Thị Mỹ Phúc (SN năm 1987, ngụ Bình Dương), từ tháng 11.2021, thông qua Công ty cung ứng lao động T.P (trụ sở tại Khu phố Khánh Lộc, phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), chị vào làm việc ở nhà xưởng sản xuất quạt máy của Công ty TNHH Công nghiệp H.D, khu công nghiệp Đại Đăng.

Ngày 15 hằng tháng, nhân viên tên H.T.Huyền của công ty cung ứng lao động T.P đến nhà xưởng phát lương bằng tiền mặt cho công nhân. Tuy nhiên, đến ngày 15.6, chị Phúc và khoảng 20 công nhân không được Công ty cung ứng lao động T.P đến chi trả lương.

Chị Bùi Thị Mỹ Phúc đã liên lạc với nhân viên công ty môi giới để nhận lương, nhưng người này báo tin ông N.V.T - Giám đốc Công ty cung ứng lao động T.P đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú và văn phòng công ty. Những ngày gần đây, các công nhân không thể được liên hệ qua điện thoại, Zalo của nhân viên và Giám đốc Công ty cung ứng lao động T.P.

Để đòi lương, công nhân trở lại nhà máy sản xuất thì công ty này cho biết đã chuyển trả tiền lương của công nhân hết cho Công ty cung ứng lao động T.P từ ngày 14.6. Tìm đến trụ sở của công ty môi giới thì không thấy công ty này theo địa chỉ công bố. Công nhân sau đó phải chạy vạy khắp nơi, nhờ công an khu công nghiệp, tổ chức Công đoàn... hướng dẫn hỗ trợ bảo vệ quyền lợi.

Theo các công nhân, thời điểm này đi tìm việc làm mới rất khó khăn, tiền chi tiêu thì đã hết. Do hết tiền, không bám trụ lại được, nhiều người phải trở về quê. Ngoài ra, có người không còn kinh phí đóng tiền thuê trọ, tiền ăn hằng ngày.

"Công ty không trả lương, hơn nửa tháng nay tôi không có tiền chi tiêu, phải vay mượn người thân để trang trải cuộc sống hằng ngày. Tôi còn phải nuôi con nhỏ nên hiện tại cuộc sống rất khó khăn. Thậm chí những ngày gần đây, tiền đổ xăng để đi đòi quyền lợi tôi cũng phải đi vay" - chị Phúc chia sẻ.

Khó khăn hơn cả là những lao động ngoại tỉnh, vừa phải chi trả tiền trọ, vừa phải lo tiền ăn. Anh Huỳnh Văn Dũng (SN năm 1979, quê Trà Vinh) cho biết, anh cùng 2 con và cháu cũng bị "xù lương". “Sau đợt dịch bệnh lần thứ 4 năm 2021, cha con tôi rời quê Trà Vinh lên đây mưu sinh. Do các con chưa đủ tuổi lao động nên phải thông qua công ty môi giới để xin vào công ty làm việc thời vụ. Sinh hoạt hằng tháng của 3 cha con trông chờ cả vào tiền lương. Tuy nhiên, tiền lương tháng 5.2022 không được nhận nên cuộc sống rất khó khăn. Mấy ngày nay, chúng tôi phải ăn mì tôm và phải nợ tiền thuê trọ. Công việc mới thì vẫn chưa tìm được” - anh Dũng chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, đã nắm được thông tin về vụ việc. Liên đoàn Lao động sẽ cử đơn vị để nắm thông tin cụ thể, hướng dẫn các công nhân bảo vệ quyền lợi. Trường hợp công nhân quá khó khăn thì sẽ tìm hướng để hỗ trợ hoặc giới thiệu việc làm mới cho công nhân.

Nguồn: Đình Trọng - BLĐ