Anh Phong cho biết, nếu chỉ học kiến thức được dạy trên trường, rất khó để tích luỹ được kinh nghiệm trong công việc. Trong khi đó, ngành học của anh cũng có tính cạnh tranh cao.

“Mỗi một ngân hàng sẽ có một cách làm việc khác nhau nên tôi muốn làm việc, học hỏi ở nhiều ngân hàng. Khi tích luỹ được kinh nghiệm, sau khi ra trường, tôi sẽ dễ dàng đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng mà mình mong muốn được làm việc” - anh Phong chia sẻ.

Chị Đào Thị Bình, sinh viên năm 4, chuyên ngành Marketing, Trường Đại học Công nghệ Đông Á cho rằng, khó khăn nhất với sinh viên mới ra trường là đối mặt sự đòi hỏi về kinh nghiệm của nhà tuyển dụng.

“Khi lựa chọn ngành Marketing, tôi hy vọng mình sớm có nhiều cơ hội để thực tập nghề nghiệp. Với kinh nghiệm sẵn có, khi ra trường tôi có thể tự tin đòi hỏi mức lương xứng đáng với hiệu quả công việc mà mình đem lại” - chị Bình chia sẻ.

Chị Nguyễn Thùy Linh, Trưởng nhóm thu hút nhân tài Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) khẳng định: FPT Telecom vẫn tiếp nhận những sinh viên không có kinh nghiệm vào để đào tạo, miễn là các bạn có đủ tự tin và sự cố gắng.

Ngoài ra, theo chị Linh, kỹ năng mềm là một yếu tố rất quan trọng mà mọi doanh nghiệp cần xem xét khi tuyển dụng nhân sự. Do đó, mỗi sinh viên đều cần phải trang bị kỹ năng mềm.

“Câu chuyện bằng cấp thì chỉ một câu chuyện rất nhỏ, miễn sao quá trình thực tập, học việc, sinh viên thể hiện sự chăm chỉ, cố gắng của mình. Học lý thuyết tại trường học rất quan trọng nhưng việc đi làm sớm, thực tập từ năm 2, năm 3 trở đi lại càng quan trọng. Từ đó, sinh viên mới thực sự hiểu công việc thực tế sau khi ra trường là như thế nào” - chị Linh cho hay.


Anh Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, doanh nghiệp cũng cần tạo điều kiện cho sinh viên. Ảnh: Hạnh Xuyến.

Còn theo anh Nguyễn Ngọc Anh - Cán bộ Ngân hàng Vietcombank, một số vị trí ở ngân hàng sẽ không đòi hỏi sinh viên cần phải có kinh nhiệm; thay vào đó là sức nhiệt huyết, sức trẻ để làm việc, cống hiến.

“Đa số tân cử nhân đều không có kinh nghiệm làm việc nhưng sau một thời gian được doanh nghiệp, công ty, đơn vị tuyển dụng, đào tạo, được va vấp đã có nhiều bài học. Về phía người sử dụng lao động, tôi cho rằng cũng nên tạo điều kiện làm việc tốt nhất để cho sinh viên mới ra trường có cơ hội được học hỏi, trau dồi kinh nghiệm” - anh Ngọc Anh đề xuất.

Ông Đinh Văn Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Đông Á khẳng định: "Chúng tôi luôn luôn quan niệm liên kết với doanh nghiệp là việc "sống còn".

Việc làm cho sinh viên ra trường hết sức quan trọng. Trường Đại học Công nghệ Đông Á đưa chiến lược là giảng viên, sinh viên đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển, quảng bá sản phẩm. Từ đó, sinh viên của nhà trường có cơ hội làm việc trong các doanh nghiệp chuyên nghiệp".

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành cho sinh viên nhằm góp phần khởi dậy tiềm lực, khả năng trong mỗi sinh viên; kết nối và kiến tạo cơ hội, giúp các bạn sinh viên tiếp cận với thị trường lao động, nâng cao kỹ năng để tìm kiếm công việc phù hợp.

BLĐ