Mới đây, nguồn tin từ Chính phủ cho biết, sẽ có khoảng 200 nhà máy theo hợp đồng sản xuất quần áo thể thao cho Nike Inc trên khắp Việt Nam được hoạt động trở lại sau nhiều tháng COVID-19 phải tạm ngưng sản xuất. Có thể nói, giai đoạn này chính phủ đang chạy đua để đưa lĩnh vực sản xuất chủ chốt của mình đi đúng hướng.

Tổng quan, có gần 80% các nhà sản xuất giày dép của Nike và một nửa số nhà cung cấp hàng may mặc của họ tại Việt Nam đã buộc phải ngừng sản xuất vào giữa tháng 7, sau khi các nhà chức trách áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển để ngăn chặn một đợt bùng phát lây lan trên diện rộng.

Việc đóng cửa kéo dài trong nhiều tháng khiến các nhóm doanh nghiệp nước ngoài gặp phải áp lực lớn; đặc biệt là các đơn hàng phục vụ cho dịp mua sắm cuối năm. Thậm chí, nếu tình trạng trở nên tồi tệ hơn, nguy cơ họ có thể chuyển sang hoạt động ở nước lận cận trong ngắn hạn và trung hạn; nhằm giảm thiểu rủi ro về doanh thu cũng như đáp ứng được nguồn hàng.

Và các lệnh giãn cách xã hội đã được nới lỏng từ một tháng trước nhưng… ngay lúc này, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lao động tại các nhà máy. Theo một thống kê mới nhất, có ít nhất 3 triệu người Việt Nam làm trong lĩnh vực dệt may và sản xuất giày dép trước thời điểm COVID-19 bùng phát mạnh tại miền Nam (trung tâm kinh tế cả nước) thì nay thiếu hụt 35-37%.

Xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đạt 2,35 tỷ USD trong tháng 9, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù xuất khẩu trong chín tháng đầu năm tăng 5,8%, lên 23,5 tỷ USD, số liệu chính thức cho thấy.

“Ba tháng cuối năm nay sẽ là thời điểm cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may Việt Nam”, Chính phủ cho biết trong một tuyên bố.

Hiện tại, Việt Nam đã ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên làm việc trong các khu công nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất, và Nike sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư cũng như sản xuất tại Việt Nam, chính phủ cho biết trong tuyên bố của mình, sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giám đốc Bền vững của Nike, Noel Kinder, bên lề Hội nghị thượng đỉnh COP 26.

Bài: Tú