Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 06/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon, lộ trình phân bổ hạn ngạch phát thải trong 5 năm tới sẽ chia thành nhiều giai đoạn.
Trong giai
đoạn đầu, 2025-2026, dự kiến 150 nhà máy phát thải lớn trong lĩnh vực nhiệt điện,
sản xuất sắt thép, xi măng sẽ được phân
bổ hạn ngạch. Khí thải của các cơ sở trên tương đương 40% lượng phát thải của cả
nước.
Thực tế,
ba lĩnh vực trên cũng nằm trong danh mục áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới
carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu. Việc tăng giảm phát thải trong các lĩnh vực
này đồng thời giúp hàng Việt có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới.
Trước đó,
các bộ sẽ đề xuất lượng hạn ngạch phân bổ hàng năm cho từng cơ sở thuộc phạm vi
quản lý. Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng phê duyệt tổng
hạn ngạch phát thải khí nhà kính quốc gia theo giai đoạn và từng năm, sau đó
phân bổ hạn ngạch xuống các cơ sở.
Hạn ngạch
phát thải là lượng khí nhà kính doanh nghiệp được quyền phát thải trong một chu
kỳ, có thể được mua bán trên thị trường carbon nhằm đảm bảo mục tiêu phát thải
của mỗi doanh nghiệp.
Ngoài hạn
ngạch, theo dự thảo Nghị định một loại tài sản khác trên thị trường carbon là
tín chỉ, được giao dịch với tỷ lệ do Chính phủ quy định để bù trừ phát thải.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao
dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ nó quyền phát thải một tấn
CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Dự thảo
này cũng bổ sung nội dung hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải và
tín chỉ carbon, cũng như quy định về mua bán, trao đổi hai loại tài sản này
trên sàn giao dịch. Trong đó, các bộ phê duyệt công nhận quy trình, quy chuẩn kỹ
thuật tạo tín chỉ carbon, đăng ký hoặc hủy đăng ký dự án, cấp tín chỉ carbon
cho các dự án thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý.
Tại cuộc họp
góp ý dự thảo Nghị định ngày 24/3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá đây là
nghị định mang tính chất kỹ thuật, còn nhiều biến động. Do đó, ông đề nghị Bộ
Nông nghiệp và Môi trường phải đưa ra định hướng, nguyên tắc khung có kiểm soát
với tư duy "sandbox" để cập nhật vấn đề kỹ thuật. Tức là tạo ra không
gian để doanh nghiệp tự do làm và thí điểm, cơ quan quản lý theo dõi, đánh giá
và trên cơ sở đó ban hành quy định điều chỉnh. Nội dung, thuật ngữ kỹ thuật
dùng trong dự thảo Nghị định phải dễ hiểu để doanh nghiệp, người dân thực hiện
được.
Bên cạnh
đó, Phó thủ tướng yêu cầu dự thảo Nghị định phải bổ sung quy định về phân cấp
trong xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến hạn
ngạch, tín chỉ carbon. Ngoài ra, số liệu liên quan đến phát thải khí nhà kính,
tín chỉ carbon phải được công nhận, thừa nhận lẫn nhau của các tổ chức, đối tác
quốc tế.
VNB