Giải trình nguyên nhân chưa hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội
Phó Thủ tướng
Trần Hồng Hà nêu thực tế nhiều địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội
được Thủ tướng giao trong năm 2025. Vì vậy, Bộ Xây dựng và các địa phương phải
đánh giá lại toàn bộ việc thực hiện, làm rõ nguyên nhân, xem xét kỹ nhu cầu thực
tế về nhà ở xã hội tại từng nơi, tránh điều chỉnh mang tính hình thức. "Việc
điều chỉnh là cần thiết nhưng phải căn cứ vào khả năng thực hiện thực chất của
địa phương".
Theo báo
cáo của Bộ Xây dựng, năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho các địa
phương hoàn thành 100.275 căn nhà ở xã hội.
Tính đến
ngày 30/6/2025, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 35.631/100.275 căn nhà ở xã
hội (đạt 36% mục tiêu đề ra năm 2025). Để hoàn thành mục tiêu hoàn thành nhà ở
xã hội trong năm 2025. Khối lượng căn nhà ở xã hội cần hoàn thành từ nay đến
31/12/2025 lên tới 64.644 căn.
Sau khi
các thực hiện sáp nhập hành chính giữa các địa phương, Bộ Xây dựng đề xuất giữ
nguyên chỉ tiêu hoàn thành phát triển nhà ở xã hội toàn quốc năm 2025. Điều chỉnh
chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội tại các địa phương thực hiện sáp nhập theo hướng
cộng dồn chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao. Chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội
toàn quốc các năm tiếp theo đến năm 2030 là 895.170 căn.
Tại cuộc họp,
lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, TP. Cần Thơ
đã báo cáo, giải trình nguyên nhân chậm tiến độ thực hiện chỉ tiêu phát triển
nhà ở xã hội, do vướng mắc trong thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng hoặc nhu cầu
thực tế thấp hơn chỉ tiêu được giao… Trong khi đó, một số địa phương như Bắc
Ninh, Hải Phòng đang triển khai hiệu quả, có thể nhân rộng mô hình.
Để hoàn
thành mục tiêu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2026–2030, các địa phương cho
rằng cần rà soát lại nhu cầu, điều chỉnh phù hợp chỉ tiêu, đẩy nhanh thủ tục
hành chính, lựa chọn phương án đầu tư hợp lý và điều chỉnh chính sách tín dụng,
đặc biệt là mức lãi suất vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người
dân tiếp cận nhà ở xã hội.
Mở rộng đối
tượng, rút ngắn thủ tục, thúc đẩy khởi công
Kết luận
cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, quyết định của Thủ tướng Chính
phủ về phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội là một chủ trương có ý nghĩa
chính trị, xã hội sâu sắc. Đây không chỉ là cam kết của Chính phủ trước nhân
dân, mà còn là yêu cầu cụ thể hóa quyền có nhà ở – một quyền hiến định của công
dân, đặc biệt với các nhóm yếu thế trong xã hội.
Phó Thủ tướng lưu ý, các địa phương bổ sung nhu cầu nhà ở của đội ngũ
cán bộ, công chức, viên chức sau khi sáp nhập hành chính vào kế hoạch phát triển
nhà ở trên địa bàn
Mặc dù đối
tượng thụ hưởng chính hiện nay là công nhân, người thu nhập thấp, nhưng cần mở
rộng chính sách để bao phủ thêm lực lượng vũ trang, công an nhân dân, sinh viên
mới ra trường, công chức, viên chức có thu nhập chưa đủ điều kiện mua nhà
thương mại. Thực tế cho thấy nhu cầu nhà ở của các nhóm này là rất lớn và thiết
yếu.
Phó Thủ tướng
chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của việc chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở
xã hội trong năm 2025 ở nhiều địa phương là do chưa có sự quan tâm đúng mức từ
cấp ủy, chính quyền; một số nơi chưa xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chưa bố trí
quỹ đất cho nhà ở xã hội, thậm chí chỉ trông chờ vào 20% quỹ đất từ các dự án
nhà ở thương mại – một tư duy không phù hợp với bản chất chính sách nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng
phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương để rà soát lại toàn bộ số liệu về chỉ
tiêu phát triển nhà ở xã hội, xác định rõ các dự án đủ điều kiện pháp lý, có thể
khởi công. Nếu có sai lệch giữa chỉ tiêu đăng ký và năng lực thực hiện, cần xác
định rõ trách nhiệm thuộc về ai? Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng hoàn thiện đề xuất
điều chỉnh chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội ở các địa phương nhưng vẫn giữ
nguyên mục tiêu về quy mô, chỉ thay đổi cách đo lường kết quả sát thực tế hơn.
Đồng thời,
cần rút kinh nghiệm từ những mô hình hiệu quả để nhân rộng trên cả nước, bảo đảm
mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội như đã đề
ra trong Nghị quyết của Chính phủ.
Bên cạnh
đó, Phó Thủ tướng cho rằng cần bổ sung cách tiếp cận linh hoạt hơn trong xác định
kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội. Ngoài số căn hộ hoàn thành,
có thể tính thêm số dự án đã đủ điều kiện pháp lý, có thể khởi công trong năm
2025. Đây là cơ sở để thúc đẩy tiến độ và ghi nhận những nỗ lực thực chất,
tránh tình trạng chạy theo con số hình thức.
Trên cơ sở
Nghị quyết 201/2025/QH15, thí điểm một số cơ chế và chính sách đặc thù phát triển
nhà ở xã hội và Nghị định 192/2025/NĐ‑CP, hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị quyết
201/2025/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, các địa phương phải khẩn trương
nghiên cứu, áp dụng quy trình rút gọn để đẩy nhanh việc lựa chọn nhà đầu tư và
khởi công dự án. Nếu trước đây mất 3 tháng cho thủ tục, nay có thể chỉ cần vài
ngày đến một tuần. Bộ Xây dựng cần hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai kịp
thời, không để chậm trễ vì lý do hành chính.
Về chính
sách tài chính, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước,
Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi nội dung liên quan đến cho vay tín dụng ưu đãi
đối với người mua nhà ở xã hội được quy định trong Nghị định số 100/2015/NĐ-CP
về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Phó Thủ tướng
lưu ý, các địa phương bổ sung nhu cầu nhà ở của đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức sau khi sáp nhập hành chính vào kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn.
Theo BCP