Cashew là một thương hiệu thời trang với những sản phẩm thể hiện được sự đơn giản, tươi trẻ và thanh lịch, chất lượng mặt hàng tương đối với giá cả hợp lý giúp Cashew trở thành một trong những thương hiệu nổi bật của dòng thời trang ứng dụng tại thị trường Việt Nam. Người đứng sau thương hiệu là nhà thiết kế, doanh nhân Jenny Kim – người từng có bề dày kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh cung cấp các nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam.

Có thể nói, giai đoạn 2011 – 2019, trong 8 năm hình thành và phát triển, Cashew chứng kiến được bước quỹ tạo của sự tăng trưởng không đồng đều theo từng năm. 8 năm để củng cố và nuôi sống một local brand chẳng hề dễ dàng. Những năm đầu gầy dựng, việc kinh doanh của thương hiệu rất hào hứng, tổng kết số liệu theo từng quý trong những năm đầu có dấu hiệu tăng đáng kể, nhưng vài năm sau đó thì kết quả không mong muốn. Jenny Kim nói rằng, kết quả doanh thu của thương hiệu như điện tâm đồ, dao động lên xuống không thể nào kiểm soát một cách chủ động. Có những thời điểm, quần áo mà Cashew giới thiệu rất hút khách hàng, thậm chí không đủ số lượng khi nhu cầu khách hàng đang cần. Nhưng cũng có những thời điểm lại bị bão hòa, và doanh thu lại sụt giảm nhanh so với năm cùng kỳ.


“ Bạn biết không! Vào thời điểm doanh thu không mấy khả quan, tôi vô cùng stress vì cần phải giải quyết cho những vấn đề phía sau. Tôi đang cố gắng đẩy vào kế hoạch để thương hiệu luôn nằm trong mức ổn định. Có nghĩa là số liệu doanh thu sẽ không còn tăng vượt bậc như giai đoạn khởi đầu, và cũng luôn cập nhật tiến về phía trước bằng cách xây dựng bán hàng phù hợp hơn với tâm lý khách hàng để tránh thâm hụt vốn nghiêm trọng.”

Thời trang ngày nay đang đi theo một xu hướng hơi bị bão hòa. Nhiều thương hiệu trẻ mọc lên, và hàng năm, nhiều bạn sinh viên khoa thiết kế ra trường, họ biết cách để xây dựng hình ảnh riêng cho phong cách thiết kế của mình nên có nhiều sản phẩm để khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm và nhiều mức giá để lựa chọn, đồng nghĩa với việc thị trường thời trang ngày nay có tính cọ sát và cạnh tranh rất cao. 

“Tôi đã tham gia nhiều khóa tư vấn cho các bạn thiết kế trẻ, riêng bản thân tôi rất yêu nghề và xem nó như một cái nghiệp đi theo mình nên luôn khuyến khích các bạn hãy cứ nuôi dưỡng đam mê; vì tính chất của ngành nghề thời trang đôi khi làm cho những ai đang theo đuổi dễ gục ngã nếu không có một ý chí vững vàng.” 

Và trong giai đoạn 2020 -2022; thời điểm mà toàn cầu gặp phải cơn bão đại dịch Covid-19, khiến nhiều ngành nghề; đặc biệt là doanh thu của ngành thời trang trở nên mơ hồ rõ rệt.

Để giúp Cashew vượt bão đại dịch, chị Jenny Kim bắt đầu nhắm đến việc phát triển vượt khỏi biên giới Việt Nam. Chị đã làm được điều này khi mở pop-up store ở Paris và tổ chức presentation cho bộ sưu tập mới vào đầu tháng Tư vừa qua - cho phép khách hàng, buyer và cánh báo giới được sờ tận tay trang phục, cảm nhận chất vải và các chi tiết, thậm chí là thử đồ, từ đó tôn vinh các mẫu thiết kế một cách chi tiết.

Ký giả Vnindustry đã có một buổi liên kết cùng chị Jenny Kim để hiểu hơn khi một thương hiệu Việt tấn công sang thị trường Pháp khi triển vọng kinh tế toàn cầu chưa có gì chắc chắn thì Cashew làm sao để thích nghi điều kiện.


Vì sao chị chọn Paris là một trong những thị trường nằm trong tầm ngắm để phát triển Cashew? Đó có phải là kế hoạch nằm trong dự liệu của chị từ trước đó?

Kế hoạch đưa thương hiệu Cashew vươn ra thị trường ngoài nước nghe chừng rất lớn về tổ chức quy mô nhưng... thật ra đối với tôi, đó là cái duyên, và có lẽ thị trường Pháp sẽ phù hợp với sức mình và trước đó, vào thời điểm đại dịch bùng phát, tôi cũng chưa có dự tính là sẽ vận hành Cashew tại Paris.

Ưu và nhược điểm của Cashew khi hoạt động kinh doanh tại thị trường Sài Gòn và Paris?

Ưu điểm là sản phẩm thiết kế của Cashew được cả bạn bè và khách trong nước, cũng như nước ngoài yêu mến, ủng hộ sản phẩm. Đa số bạn bè , khách quý nhớ đến và trân trọng tinh thần cốt lõi của Cashew ,cũng như bản ngã riêng của bản thân tôi nằm trong từng sản phẩm.

Bên cạnh đó, tôi không làm ra nhiều sản phẩm chạy theo số lượng , hay doanh số nữa; mà chỉ tập trung vào mẫu mã với số lượng ít nhưng đúng gu và tinh thần của mình; vì bản thân tôi cũng là người thích mặc những bộ cách hiện đại, thích trải nghiệm sự mới lạ và yêu cái đẹp nữa!

Tuy nhiên, có một nhược điểm lớn nằm ở khoảng cách địa lý khi sản xuất. Vì chỉ mới trong quá trình đưa Cashew sang thị trường Pháp nên tất cả sản phẩm thời trang hiện tại của Cashew đều sản xuất tại Sài Gòn. Theo đó, tôi phải làm việc online và mất nhiều thời gian hơn là chúng ta trực tiếp làm tại xưởng; song, điều đó không có nghĩa là tôi không làm được, cố gắng thì cũng có cách giải quyết.

Chi phí mặt bằng để mở một cửa hiệu thời trang như Cashew tại Paris hiện có quá đắt đỏ? Tuyến phố để đặt mở cửa hàng Cashew có nằm trong tuyến đường mua sắm thời trang và mỹ phẩm ở Paris?

Tôi không có ý định mở cửa hàng trên tuyến phố đắt đỏ hay khá sầm uất ở Paris. Thứ nhất là chi phí xoay vòng và thuế quá cao ở nước ngoài, không dễ để tôi kiểm soát dễ dàng như ở thị trường Việt Nam, cộng thêm giấy tờ công việc và xử lý cũng rất nhọc nhằn. Thay vào đó, tôi chỉ làm pop- up event, kết hợp triển lãm tranh ảnh nghệ thuật hay chỉ là tiệc ra mắt giới thiệu bộ sưu tập mới - đây cũng là xu hướng và trào lưu cho nhiều thương hiệu và nhà thiết kế trẻ, và phù hợp với thời điểm hậu Covid-19.

Giá một sản phẩm của Cashew trung bình nằm ở mức nào (tính theo đơn vị euro)? Tình trạng lạm phát tăng cao, nhiều thách thức hậu Covid-19 thì chị điều hòa thế nào giữa chi phí mặt bằng, chi phí nguyên liệu, chi phí dành cho thợ, nhân viên, và những chi phí biến động khác?

Những mẫu mã của Cashew hiện nay trung bình giá dao động từ 80€ -620€/ tuỳ theo mẫu mã sản phẩm. Song song, trong bối cảnh tình hình lạm phát giá leo thang nhưng tôi quyết định vẫn cố giữ tinh thần giá tạm thời ổn định, tôi suy nghĩ không phải giá nguyên vật liệu tăng là phải chạy theo xu hướng tăng giá.



Chị thay đổi địa điểm cửa hàng vật lý như thế, liệu có mất đi lượng khách hàng trung thành ở thị trường nội địa?

Tôi tạm ngưng cửa hàng ở Sài Gòn và chuyển dần sang online và pop- up ((Paris-Saigon-Hanoi và sắp tới là pop-up ở một thành phố khác thuộc châu Âu, tôi thấy điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng (Mindset) của tôi cho Cashew)).

Paris là kinh đô thời trang, tập trung các thương hiệu thời trang xa xỉ quốc tế lẫn thương hiệu nhắm đến phân khúc tầm trung, làm thế nào để Cashew có thể cạnh tranh trong một thị trường thời trang đa dạng ở Pháp?

Thật vậy! Ở xứ sở kinh đô thời trang quá nhiều cạnh tranh. Mọi thứ thật sự không dễ dàng nhưng không có nghĩa nhiều thách thức là tôi không làm. Sản phẩm mỗi brand hay nhà thiết kế đều có những tinh thần riêng và khách hàng riêng, khách hàng vẫn yêu thích những mẫu mã mà họ cảm kích và đâu đó, cảm nhận phù hợp cho riêng mình.

Cashew hiện tại có xây dựng dịch vụ B2B một cách mạnh mẽ, cũng như mô hình kinh doanh thương mại điện tử của Cashew bao gồm những gì?

Cashew vẫn đang học hỏi và muốn xây dựng B2B, cũng như hy vọng sẽ làm tốt hơn trong thời gian tới.

Kế hoạch và những tham vọng tiếp theo của Cashew?

Kế hoạch và tham vọng – tôi không có hoạch định tham vọng quá lớn mà thay vào đó, tôi cứ cần mẫn và từ tốn làm những mẫu mới lạ và hiện đại phù hợp cả trong và ngoài nước, và làm với số lượng ít. Chỉ vậy!


Cảm ơn nhà thiết kế Jenny Kim đã chia sẻ. Vnindustry chúc chị đạt thêm thành công hơn nữa trong quá trình vận hành Cashew tại thị trường Paris ở chặng đường phía trước.

Ban biên tập Vnindustry

Ảnh: Cashew