Mới đây, Chủ
tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì cuộc đối thoại với công nhân, lao động
Thủ đô năm 2023. Dự cuộc đối thoại có lãnh đạo Liên đoàn lao động thành phố
(LĐLĐ TP Hà Nội), các sở, ngành…
Báo cáo tại
hội nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Lê Đình Hùng cho biết, TP Hà Nội là địa phương tập
trung nhiều doanh nghiệp với số công nhân lao động (CNLĐ) đông đảo. Cụ thể, Hà
Nội có trên 250.000 doanh nghiệp với khoảng 2,5 triệu lao động. LĐLĐ TP cũng
đang trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở
với gần 9.700 công đoàn cơ sở (CĐCS), gần 653.808 đoàn viên công đoàn. Trong
đó, khu vực SXKD có 6.268 CĐCS, trên 458.000 đoàn viên công đoàn.
Hà Nội hiện
có 10 Khu CN&CX và Khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp và khoảng
165.000 lao động. Trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 80%).
Theo ông
Lê Đình Hùng, vấn đề nhà ở cho CNLĐ còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực
lượng lao động, đó vẫn là yêu cầu bức xúc hiện nay của người lao động. CNLĐ rất
mong muốn được mua nhà ở xã hội, với giá cả phù hợp để an cư, lập nghiệp.
Hiện nay,
Thành phố có 3 Khu công nghiệp là: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (Đông
Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của
CNLĐ. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân, do vậy khoảng
trên 80% CNLĐ đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà
trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức
giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao...
Ngoài ra, các công trình phúc lợi công cộng như: Trường mầm non công lập còn thiếu, nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh ở các khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có. Đặc biệt, khối trường PTTH còn thiếu, cùng với đó là cơ chế chỉ học sinh có hộ khẩu Hà Nội mới đủ điều kiện được đăng ký thi vào trường PTTH công lập đã gây bức xúc, khó khăn hơn cho người lao động nhập cư khi phải cho con học trường PTTH dân lập với chi phí học tốn kém, chưa phù hợp mức thu nhập của CNLĐ.
Đến năm
2030, 100% KCN có nhà ở cho công nhân
Phản hồi về
nội dung này, ông Võ Nguyên Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Vấn đề
phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, đây là vấn đề được Trung ương, Thành phố,
Thành ủy, các cấp, ngành quan tâm. Trong những năm qua, UBND Thành phố đã ban
hành Chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2030, Kế hoạch
phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch phát triển nhà ở
xã hội Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó đã định hướng chú trọng
phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.
Vừa qua,
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội và Bộ Xây dựng
sẽ cùng với các cơ quan chức năng triển khai kế hoạch này.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Hà Nội cũng đã có nhiều kế hoạch triển khai phát triển nhà ở cho công nhân. Trong giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục rà soát, dành ra quỹ đất để tiếp tục phục vụ công tác phát triển nhà xã hội trên địa bàn; rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ với các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho CNLĐ. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố đến năm 2030 đều có khu nhà ở xã hội phục vụ CNLĐ. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ dần đáp ứng được nhu cầu của người lao động, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh giải đáp thắc mắc cho công
nhân
Phát biểu
Kết luận tại Hội nghị đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh
thay mặt lãnh đạo Thành phố gửi lời cảm ơn tới sự đóng góp to lớn của đội ngũ
CNLĐ trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô. Đặc biệt, trong những năm gần đây
Thành phố đối diện với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là trong giai đoạn dịch
COVID-19.
Liên quan
đến vấn đề nhà ở cho công nhân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định trên
cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, Thành phố sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ,
dự án để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch,
chương trình 1 triệu nhà ở xã hội cho người lao động.
“Các doanh
nghiệp đã tương đối sẵn sàng, Thành phố mong muốn cuối năm 2023 và 2024 tập
trung khởi công một số khu nhà. Làm đồng bộ, tập trung, quan tâm đến việc công
nhân có thể tiếp cận được không dựa trên khoảng cách địa lý. Hà Nội cũng sẽ có
chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp
cận được nhà ở xã hội, có tính khả thi.
Thành phố
đang rất quyết liệt nhưng việc này cần có thời gian nhất định, kế hoạch và lộ
trình cụ thể”, ông Trần Sỹ Thanh nói.
Về những vấn
đề liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực Bảo hiểm, tư
pháp… Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh thành phố cùng các Sở ngành đang có những
giải pháp quyết liệt, giảm thiểu việc anh chị em công nhân không phải đến cơ
quan hành chính, cố gắng rút ngắn thời gian thực hiện hành chính công; tháng 7
UBND Thành phố sẽ trình HĐND xây dựng đề án miễn giảm tất cả chi phí cơ bản phí
nộp thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Thành phố với điều kiện làm trực
tuyến. Để CNLĐ dành thời gian nhiều hơn cho lao động sản xuất, tăng năng suất,
có thời gian nghỉ ngơi, giảm tối đa rủi ro.
Chủ tịch
UBND Thành phố đề nghị sau Hội nghị hôm nay, Văn phòng UBND Thành phố và LĐLĐ
Thành phố sẽ tổng hợp và có trả lời bằng văn bản từng nhóm vấn đề cho anh chị
em CNLĐ, các đơn vị.
BTP