Thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn hiểu rõ hơn về mục tiêu nghề nghiệp và khả năng gắn bó của bạn với công việc mới. Để có câu trả lời khéo léo và thuyết phục nhất cho câu hỏi về lý do nghỉ việc ở công ty cũ, hãy tham khảo những gợi ý dưới đây.

Mục đích của nhà tuyển dụng khi hỏi ứng viên về lý do nghỉ việc ở công ty cũ

Khi đặt câu hỏi về lý do nghỉ việc ở công ty cũ của ứng viên, nhà tuyển dụng không chỉ muốn tìm hiểu nguyên nhân nghỉ việc mà còn muốn khai thác thêm những thông tin quan trọng khác. Dựa vào những lý do mà ứng viên trình bày, nhà tuyển dụng có thể đánh giá được phần nào mức độ phù hợp của bạn với vị trí ứng tuyển. Cụ thể, khi đặt ra câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn biết:

Bạn bị sa thải hay tự quyết định nghỉ việc: Thực tế, Nhà tuyển dụng sẽ quan tâm nhiều nhất đến việc bạn có phù hợp với công ty/doanh nghiệp hay không thay vì việc bạn bị layoff hay tự nghỉ việc. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà tuyển dụng đều cởi mở với ứng viên bị ảnh hưởng bởi layoff, dù lý do có thể đến từ các yếu tố như: công ty tái cấu trúc, hoạt động kinh doanh sa sút, v.vv... Do đó, bạn cần khéo léo trình bày lý do nghỉ việc để không mất điểm với nhà tuyển dụng. 

Mức độ phù hợp và sự gắn bó của bạn: Với câu hỏi “Tại sao bạn nghỉ việc tại công ty cũ” nhà tuyển dụng không chỉ muốn tìm hiểu lý do nghỉ việc của bạn mà họ còn quan tâm liệu vấn đề đó có lặp lại không. Chẳng hạn, nếu bạn rời công ty cũ vì thấy công việc cũ không còn hấp dẫn hoặc muốn thử sức với cơ hội mới, họ sẽ xem xét liệu bạn có là ứng viên thật sự phù hợp không khi mà tính chất công việc giữa hai vị trí tại hai công ty không có sự khác biệt lớn, liệu bạn có phải là người “cả thèm chóng chán” hay là người có chí tiến thủ (luôn khao khát được học hỏi và khám phá).

Mục tiêu nghề nghiệp của bạn: Sự khác biệt giữa định hướng của công ty và định hướng cá nhân là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến nhiều nhân viên quyết định nghỉ việc. Do đó, khi hỏi “Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?”, họ không chỉ muốn biết lý do bạn rời đi mà còn muốn biết định hướng nghề nghiệp của bạn là gì, có thực sự phù hợp với hướng đi của công ty. Sự tương đồng về định hướng là cơ sở quan trọng để nhân viên và công ty có thể gắn bó lâu dài với nhau

Thông qua hỏi về lý do nghỉ việc công ty cũ, nhà tuyển dụng có thể đánh giá phần nào mức độ phù hợp của bạn với vị trí ứng tuyển

Những gợi ý về cách trả lời nhà tuyển dụng về lý do nghỉ việc ở công ty cũ

Có rất nhiều lý do để bạn có thể quyết định nộp đơn xin nghỉ việc ở công ty cũ. Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn về lý do nghỉ việc ở công ty cũ, bạn cần cân nhắc thật kỹ để đưa ra câu trả lời thuyết phục nhất.

Tìm kiếm cơ hội phát triển

Bạn có thể chia sẻ rằng quyết định nghỉ việc của bạn xuất phát từ mong muốn tìm kiếm cơ hội để phát triển sự nghiệp và chinh phục những thử thách mới. Điều này không chỉ giúp bạn thể hiện tinh thần cầu tiến mà còn nhấn mạnh tinh thần sẵn sàng học hỏi, thích nghi và không ngừng hoàn thiện bản thân – những yếu tố mà các nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao.

Thay đổi mục tiêu nghề nghiệp

Một trong những lý do bạn có thể đưa ra khi trả lời câu hỏi về lý do nghỉ việc là sự thay đổi trong mục tiêu nghề nghiệp. Sau quá trình làm việc tại công ty cũ, bạn nhận ra rằng những mục tiêu ban đầu không còn phù hợp với năng lực hiện tại cũng như định hướng công việc dài hạn mà bạn muốn theo đuổi. Quyết định này thể hiện khả năng tự nhận thức và sự chủ động tìm kiếm một môi trường mới để phát huy tối đa năng lực, học hỏi thêm những kỹ năng cần thiết.

Tuy nhiên, khi trình bày lý do này, bạn cần nhấn mạnh rằng quyết định của mình không xuất phát từ sự nóng vội hay thiếu kiên nhẫn. Thay vào đó, đây là một quyết định đã được cân nhắc kỹ lưỡng, thể hiện khát khao không ngừng hoàn thiện bản thân.

Không phù hợp với môi trường làm việc

Môi trường làm việc không phù hợp cũng là một lý do thuyết phục mà bạn có thể đề cập đến khi nhà tuyển dụng hỏi tại sao bạn nghỉ việc công ty cũ. Bạn có thể chia sẻ đến những yếu tố như: Không phù hợp với văn hóa, định hướng phát triển, phong cách quản lý, v.vv.. Ngoài ra, bạn nên nhấn mạnh rằng trải nghiệm ở công ty cũ là cần thiết để bạn biết được bản thân thực sự mong muốn một môi trường làm việc như thế nào. Bên cạnh đó, hãy thể hiện bản thân là ứng viên chuyên nghiệp và tử tế bằng việc không nói xấu công ty cũ khi phỏng vấn với nhà tuyển dụng.

Điều chỉnh sự cân bằng công việc – gia đình

Bạn có thể giải thích rằng lý do nghỉ việc xuất phát từ việc bạn muốn cân bằng giữa công việc và gia đình trong một giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, bạn đã khắc phục được vấn đề này và đã sẵn sàng dành thời gian cho công việc.

Lương thưởng và đãi ngộ không tương xứng với năng lực

Việc cảm thấy lương thưởng và đãi ngộ chưa tương xứng với năng lực của bản thân là một lý do phổ biến khiến nhiều người cân nhắc khi thay đổi công việc. Tuy nhiên, đây là một lý do nhạy cảm, dễ khiến nhà tuyển dụng hiểu lầm rằng bạn đang đặt nặng yếu tố tài chính hơn là những vấn đề khác. Do đó, để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, bạn nên khéo léo lồng ghép lý do này như yếu tố bổ sung khi quyết định nghỉ việc.