Hãy cùng điểm qua một số sai lầm và nguyên do tiềm ẩn đằng sau có thể khiến bạn trượt phỏng vấn và mất đi cơ hội làm việc mà mình cho là quý giá:

1. Trang phục không phù hợp

Em gái tôi – một nhân viên phụ trách tuyển dụng cho một công ty sản xuất cơ điện, gần đây có kể cho tôi nghe về câu chuyện một ứng viên mà e ấy khá ưng ý lựa chọn khi duyệt CV để Sếp phỏng vấn cho vị trí kế toán của công ty. Nhưng ngay khi cô gái này bước vào phòng làm việc ngay lập tức Sếp của em từ chối phỏng vấn. Khi tìm hiểu lý do em tôi cho hay Sếp của em khá dị ứng với các ứng viên khi đi phóng vấn mà mặc áo không có cổ. Nghe xong tôi vô cùng ngạc nhiên.

Vậy đó khi đi phỏng vấn, Trang phục cũng là một vấn đề khá quan trọng mà ứng viên cần phải lưu ý. Bạn không cần ăn mặc đẹp, bạn chỉ cần ăn mặc phù hợp là đủ. Không ít những bạn mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm phỏng vấn, ăn mặc điệu đà hay màu sắc rực rỡ cũng khiến người đối diện cảm thấy lóa mắt.

Ngoài trang phục phù hợp, quần áo gọn gàng và được ủi phẳng phiu cũng vô cùng quan trọng, thể hiện được sự gọn gàng, chỉn chu của bạn đối với công việc.

2. Ứng viên đến trễ

Một điều đại kỵ khi đi phỏng vấn đó là trễ giờ hẹn. Đừng mang những lý do như tắc đường, xe hỏng trở thành cái cớ khiến bạn đi trễ trong buổi phỏng vấn quan trọng. Những lý do này sẽ không giúp nhà tuyển dụng thông cảm, mà ngược lại sẽ là những đánh giá về kỹ năng quản lý thời gian, cũng như kỹ năng quản trị rủi ro của bạn.

Bạn có thể nghĩ chỉ là một vài phút trễ giờ, nhưng chính vì một vài phút này có thể đã vô tình khiến bạn trượt phỏng vấn và mất đi cơ hội.

Trong trường hợp bất khả kháng nếu đến trễ ứng viên có thể chủ động gọi điện trước cho người phỏng vấn trình bày lý do việc đến trễ nhưng điều tốt nhất là bạn nên chuẩn bị một kế hoạch cụ thể trước 1-2 ngày trước khi đi phỏng vấn, xem xét ính toán đường đi và thời gian cho phù hợp. Nên chủ động đến sớm hơn 10-15 phút để phòng ngừa những yếu tố rủi ro, hoặc quãng thời gian này cũng giúp bạn bình tĩnh trước một cuộc phỏng vấn.

3. Tập trung kể xấu công ty cũ

Thông thường mỗi lần chuyển việc ngoại trừ lý do bất khả kháng như thay đổi nơi ở, thì sẽ có những trường hợp bạn quyết định nghỉ việc ở công ty cũ vì những lý do đại loại như bạn không hài lòng về công việc cũ, chính sách hay mức lương của công ty. Nhưng những yếu tố này bạn không nên kể ra với nhà tuyển dụng mới.

Có nhiều trường hợp vẫn còn nặng lòng với công ty cũ, thay vì sử dụng thời gian phỏng vấn quý giá để “marketing bản thân”, lại chú tâm kể về những điểm xấu của công ty cũ.

Thật thà là tốt nhưng không giữ được bí mật chính là một hành động khiếm nhã. Nhiều ứng viên đã bị đánh trượt phỏng vấn chỉ vì nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn không phải là người dễ hòa nhập, cũng như  nghi ngờ rằng bạn cũng có thể nói xấu về công ty họ ở công việc kế tiếp.

Do đó, lời khuyên dành cho các ứng viên đó là hãy dành sự tôn trọng cho công việc cũ và nói tốt về nó ở mức độ thích hợp. Bởi lẽ, ca ngợi nó quá nhiều có thể khiến người quản lý mới băn khoăn: “Nếu công việc cũ quá tốt thì bạn đang ở đây để làm gì?”

4. Thiếu kiến thức về công ty phỏng vấn

Bạn rất nổi bật về chuyên môn và các kỹ năng nhưng có thể vẫn trượt phỏng vấn nếu như bạn không am hiểu về công ty đang ứng tuyển.

Điều này thật sự rất thiếu sót vì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn không xem trọng cơ hội làm việc tại công ty họ và thiếu đầu tư để tìm hiểu về môi trường làm việc. Cũng có khả năng người tuyển dụng khó có thể tin tưởng bạn sẽ làm việc lâu dài, vì bạn không thể hiện được đam mê và nhiệt huyết với tổ chức của họ.

Vì vậy, việc tìm hiểu những thông tin cơ bản về công ty mà bạn ứng tuyển cũng là yếu tố rất cần thiết. Hãy xem qua các thông tin về tổ chức/ doanh nghiệp trên website, mạng xã hội của công ty. Và bạn sẽ còn ghi điểm hơn nữa nếu chuẩn bị một số những phân tích chuyên môn về ngành nghề và thị trường mà công ty tuyển dụng đang hoạt động trong lĩnh vực đó.

5. Thiếu năng lượng khi tham gia phỏng vấn

Nếu bạn đã vượt qua vòng ứng tuyển CV nhưng không thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn thì kết quả sẽ trở nên lãng phí công sức. Buổi gặp mặt trực tiếp khá quan trọng; vì lúc này các nhà tuyển dụng muốn thấy cách bạn ứng xử trước người lạ và thông qua nét mặt, cử chỉ để biết bạn có thật sự nhiệt huyết với vị trí đang ứng tuyển hay không. Vì vậy trước mỗi buổi phỏng vấn hãy chuẩn bị cho mình một năng lượng thật tích cực, luôn thể hiện sự lịch sự, thân thiện và sự năng động trước các nhà tuyển dụng.

6. Không rõ ràng về định hướng hoặc mục tiêu nghề nghiệp

Rất nhiều nhà tuyển dụng thường căn cứ vào các câu trả lời của ứng viên về định hướng hoặc mục tiêu nghề nghiệp để ra quyết định lựa chọn ứng viên đó hay không vì điều đó có thể cho thấy mức độ gắn bó của ứng viên với công việc trong tương lai. Do vậy với những ứng viên k hông có mục tiêu nghề nghiệp; hoặc mục tiêu không được thể hiện rõ qua những công việc bạn làm trước đó; là yếu tố gây cản trở quyết định tuyển chọn bạn.

Trước mỗi cuộc phỏng vân hãy dành thời gian để suy nghĩ về mục tiêu nghề nghiệp một cách nghiêm túc. Chẳng hạn như khi ứng tuyển vào vị trí này thì có giúp ích cho con đường sự nghiệp của bạn sau này như thế nào.

7. Công ty thay đổi kế hoạch, không tuyển dụng nữa

Có đôi khi cả CV và buổi phỏng vấn của bạn thực sự rất tốt đẹp nhưng bạn lại không nhận được cuộc gọi nào để thông báo về thời gian bắt đầu công việc mới thì rất có thể trường hợp này nhà tuyển dụng của bạn đã thay đổi kế hoạch không tuyển dụng nữa. Nếu gặp trường hợp như vậy bạn hãy mạnh dạn chủ động gọi lại cho nhà tuyển dụng để hỏi lý do.

Xác xuất xảy ra trường hợp này thường hiếm khi xảy ra nhưng không phải không có. Những kế hoạch kinh doanh có thể được điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện tại của công ty, và yếu tố nhân sự cũng nằm trong số đó.

Với những trường hợp này, nếu bạn là một ứng viên tiềm năng và nổi trội, họ vẫn có thể lưu lại hồ sơ và xem xét bạn làm việc ở một thời điểm khác, hoặc đề xuất cho bạn một vị trí khác đang được họ ưu tiên hơn tại thời điểm này.

Kết: Đậu hay “RỚT” phỏng vấn chưa chắc chưa chắc đã nói lên hết khả năng chuyên môn và độ phù hợp của bạn với công việc nào đó. Có thể nói yếu tố may mắn cũng chiếm phần không nhỏ trong sự thành công hay sự thất bại ấy, nhưng dù thế nào, hãy luôn có sự chuẩn bị tốt để sẵn sàng cho mọi buổi phỏng vấn sắp tới.

Nabui Th