Chính phủ
vừa ban hành Nghị quyết số 181/NQ-CP về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện
các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị
quyết số 11/NQ-CP.
Nghị quyết
nêu rõ, điều chỉnh kế hoạch vốn dự kiến không giải ngân hết của 04 chính sách
cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tối đa 15.500 tỷ đồng
để bổ sung cho chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc
làm, đảm bảo tổng dư nợ các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số
43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình
phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng
01 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa,
tiền tệ hỗ trợ Chương trình đến 31/12/2023 tối đa là 38.400 tỷ đồng.
* Trước
đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục
hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của
Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Theo Nghị
quyết, đối tượng hỗ trợ bao gồm: Người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch
bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực
phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.
Thời gian
hỗ trợ: chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022-2023; một số chính sách có thể kéo
dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Theo Ngân
hàng CSXH, đến hết tháng 6/2023, toàn hệ thống đã giải ngân hơn 19.000 tỷ đồng,
tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm 2022, với 351.000 khách hàng được vay vốn.
Từ đầu năm
2022 đến nay, Ngân hàng CSXH đã giải ngân các chương trình tín dụng chính sách
được hỗ trợ lãi suất 2% với số vốn là 139.000 tỷ đồng cho hơn 3,3 triệu lượt
khách hàng. Tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng là 1.940 tỷ đồng.
Bên cạnh
tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách, chất lượng nợ tiếp tục
được duy trì ổn định. Tỉ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,62% trên tổng dư nợ
(trong đó, nợ quá hạn chiếm 0,17%, nợ khoanh chiếm 0,45%).
Trong 6
tháng đầu năm 2023, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản
xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn
310.000 lao động; giúp hơn 4.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước
ngoài; giúp hơn 25.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân
cho hơn 3.000 hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính và thiết bị học trực tuyến
cho con em.
Vốn tín dụng
chính sách cũng góp phần xây dựng hơn 871.000 công trình nước sạch, công trình
vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 571 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn
7.000 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách…/.
Theo BCP