Nhiều sản
phẩm chủ lực lấy lại cân bằng
Thông tin
từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu
thủy sản tháng 9/2023 ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022 và
tăng nhẹ 16 triệu USD so với tháng trước. Lũy kế tới hết quý III/2023, xuất khẩu
thủy sản đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ.
Cụ thể
trong tháng 9, một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực đã lấy lại sự cân bằng so với
cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ trong tháng 9 đều đạt mức
tương đương với tháng 9/2022. Đáng chú ý là sự hồi phục của mặt hàng cá tra với
mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu các sản phẩm khác
như mực, bạch tuộc, cua - ghẹ, nhuyễn thể có vỏ vẫn thấp hơn cùng kỳ, nhưng mức
giảm chỉ từ 6 - 12%.
Bà Lê Hằng
- Giám đốc Truyền thông Vasep phân tích, số liệu thống kê đến hết tháng 9/2023,
xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy
nhiên, kết quả xuất khẩu trong những tháng gần đây có dấu hiệu hồi phục so với
những tháng trước. 2 thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng
nhu cầu và xuất khẩu thủy sản sang 2 thị trường này đều ghi nhận tăng trưởng
dương trong 2 tháng qua.
Cũng theo
Vasep, xuất khẩu cá ngừ đã và đang có chiều hướng cải thiện, với doanh số tháng
9 bằng mức cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, việc sụt giảm liên tục giai đoạn đầu
năm khiến lũy kế 9 tháng xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm 23% so với cùng kỳ và chỉ đạt
623 triệu USD.
Với cá
tra, xuất khẩu 9 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu gần 1,4 tỷ USD, giảm 31% so với
cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu cá tra đang có xu hướng hồi phục dần ở các thị trường
Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hà Lan, Anh và Mỹ… Trong tháng 9/2023, xuất khẩu
sang một số thị trường đã lấy lại cân bằng hoặc đạt mức cao hơn so với cùng kỳ
năm 2022.
Về thị trường, tính đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản sang Top 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều vượt mốc 1 tỷ USD; trong đó, Mỹ vẫn giữ vị thế số 1 với gần 1,2 tỷ USD, thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm 2022. xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1,15 tỷ USD, giảm 15%, trong khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt gần 1,1 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng
trong tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, EU đều hồi phục, tăng từ
4 - 17% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu
thủy sản sẽ mang về doanh số khoảng hơn 9 tỷ USD
Nhận định
về thị trường thủy sản những tháng cuối năm, nhiều ý kiến cho rằng, xuất khẩu
những tháng cuối năm sẽ khó bứt phá dù mức độ sụt giảm so với cùng kỳ thu hẹp dần
qua các tháng. Kết quả xuất khẩu tôm năm 2023 ước tính chỉ đạt khoảng 85 - 90%
so với năm 2022. Dự báo này dựa trên tính chu kỳ, thời điểm này hàng năm đã là
cao điểm giao hàng, trong khi đó năm nay lượng đơn hàng có tăng nhưng không nhiều
và giá bán chưa cải thiện.
Mặt khác,
tình hình lạm phát ở nhiều thị trường chưa có dấu hiệu trở lại bình thường, thậm
chí đồng Yên (Nhật Bản) đang ở mức thấp kỷ lục (148 Yên/USD) trong khi Nhật Bản
là thị trường xuất khẩu trọng điểm hiện nay. Đó cũng là lý do vì sao sản lượng
tôm nuôi đang giảm mạnh nhưng không có tình trạng thiếu nguyên liệu ở các doanh
nghiệp chế biến, bởi nhu cầu xuất khẩu không cao, vẫn còn nguyên liệu dự trữ
trong kho.
Một điểm
đáng chú ý được Vasep nhấn mạnh, đó là trong tháng 9 vừa qua, Việt Nam - Hoa Kỳ
đã nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Theo
đó, Hoa Kỳ sẽ sớm xem xét quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. “Nếu điều đó
được thực hiện sớm, việc xem xét kết thúc vụ kiện chống bán phá giá tôm và cá
tra sẽ có nền tảng, căn cứ vững vàng hơn. Cùng với sự chủ động của các doanh
nghiệp thủy sản trong việc thích nghi với mọi hoàn cảnh, hy vọng tình hình sẽ
xoay chuyển theo hướng tích cực” – Vasep nhấn mạnh đồng thời đưa ra dự báo, nếu
không có biến động bất ngờ từ thị trường và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm
mạnh, xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 - 9,3 tỷ USD.
Trong khi
đó, theo nhận định của giới chuyên gia, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của
nhiều DN trong ngành sẽ tăng mạnh trở lại vào năm 2024, do xuất khẩu sẽ bắt đầu
phục hồi vào cuối quý IV/2023 hoặc đầu năm 2024.
ĐĐK