Tôm hùm bông và tôm hùm xanh là 2 loài thủy sản được người dân các tỉnh Nam Trung bộ nuôi hơn 30 năm nay, mỗi năm cho giá trị hàng ngàn tỷ đồng. Hiện nay, nguồn giống chủ yếu khai thác tự nhiên hoặc nhập khẩu. Thức ăn của tôm hùm bông chủ yếu là các loại cá tạp, cho tôm ăn trực tiếp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn lợi ven bờ.

Từ năm 2016, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã nghiên cứu quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm từ các loại bột cá, mì, đậu nành, cám và bột mực. Nhóm nghiên cứu do TS. Mai Duy Minh phụ trách đã sản xuất được thức ăn công nghiệp cho tôm hùm. Kết quả triển khai nuôi tôm hùm trên bể bằng thức ăn công nghiệp đều mang lại hiệu quả về tỷ lệ sống, tăng trưởng cũng như chất lượng sản phẩm. Chất lượng thức ăn công nghiệp cho tôm hùm đảm bảo, kể cả tôm nuôi bị còi từ lồng bè đem về nuôi trong bể vẫn có thể lột xác, phát triển bình thường.

Tuy nhiên, thức ăn công nghiệp chưa thể áp dụng cho nuôi tôm hùm lồng trên biển, vì điều kiện dưới lồng có dòng chảy làm giảm khả năng nhận biết thức ăn của tôm. Ngoài ra, trong lồng nuôi có nhiều cá tạp nên khi thả xuống, cá sẽ giành thức ăn với tôm hùm. TS. Mai Duy Minh cho biết, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đang tiếp tục nghiên cứu, tìm ra giải pháp phù hợp giúp người nuôi có thể sử dụng thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm lồng trên biển.

“Thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm đã triển khai ở trên bể đạt kết quả rất tốt, chi phí sản xuất ra thức ăn khoảng 120.000 đồng/kg. Tại sao mình chưa áp dụng xuống nuôi lồng? Vì tôm hùm ăn không giống như cá, thấy thức ăn, tôm cảm nhận theo mùi và rất cẩn trọng. Ở lồng do dòng chảy, nhiều cá tạp trong lồng nuôi nên khả năng tiếp cận thức ăn của tôm hùm hạn chế, hệ số thức ăn, quản lý chưa hiệu quả, thời gian tới sẽ khắc phục", TS. Mai Duy Minh giải thích.

Tạo ra ấu trùng tôm hùm bông đến giai đoạn thứ 9

 

Tôm hùm giống bắt ngoài tự nhiên. Ảnh: Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Giống và thức ăn chiếm hơn 80% giá thành trong nuôi tôm hùm. Những năm gần đây, con giống tôm hùm ngoài tự nhiên cạn kiệt nên bà con nuôi chủ yếu từ con giống nhập khẩu tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tôm hùm giống được nhập chủ yếu từ các nước Indonesia, Philippines, Myanmar. 13 năm trước, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III thực hiện đề tài nghiên cứu sản xuất tôm hùm giống, sau đó, đề tài dừng lại khi ở giai đoạn 5 với 89 ngày ươm nuôi. Để hình thành tôm hùm giống thương phẩm, ấu trùng phải trải qua 12 giai đoạn. Đến năm 2018, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III khởi động lại việc nghiên cứu sản xuất tôm hùm giống dựa trên các kết quả đã đạt trước đó và có bước tiến triển lớn.

Đến nay, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã tạo ra ấu trùng tôm hùm bông đến giai đoạn thứ 9, sau hơn 120 ngày nuôi với tỷ lệ sống đạt khoảng 0,5%. Theo PGS.TS. Võ Văn Nha, với tỷ lệ sống này cho thấy tín hiệu đáng mừng, bởi trên thế giới chưa có nước nào sản xuất thành công giống tôm hùm bông và thương mại. Đến nay, đề tài đang tới giai đoạn thứ 10, tức là còn 1 - 2 giai đoạn lột xác nữa là ra con giống nhưng đề tài gặp nhiều khó khăn. PGS.TS Võ Văn Nha cho biết, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III sẽ tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn trên để tiến tới làm chủ công nghệ sản xuất con giống.

“Tỷ lệ sống 120 ngày đạt 0,5% và đề tài khoa học cấp Nhà nước này chỉ yêu cầu đạt con giống cho tỷ lệ sống 0,001%. Tôm hùm bông trên thế giới chưa có nước nào công bố sinh sản thành công và để sản xuất thương mại. Vướng mắc từ giai đoạn 9 chuyển sang giai đoạn 10 là ấu trùng bị chết do dinh dưỡng, thử rất nhiều nhưng cuối cùng cũng chưa thành công. Bể nuôi cũng cần phải kiểm soát cho đảm bảo”, PGS.TS Võ Văn Nha phân tích.

Trung Quốc sẽ tạo cơ chế đặc biệt cho tôm hùm bông


Tôm hùm bông nuôi ở Khánh Hoà.

Lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ NN&PTNT cho biết, đến thời điểm này, cơ quan chức năng hai nước vẫn đang phối hợp gỡ vướng cho mặt hàng tôm hùm bông.

Theo vị này, phía Trung Quốc cho biết sẽ tạo cơ chế cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này. Hiện, Cục đang thúc đẩy các địa phương khẩn trương phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện cơ sở nuôi tôm hùm (đặc biệt các sơ sở xuất khẩu tôm hùm bông), cơ sở ương dưỡng giống tôm hùm.

"Sau khi phía Trung Quốc cung cấp đủ thông tin và biểu mẫu đăng ký mới, các cơ quan, đơn vị tổ chức của bộ sẽ thực hiện rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các quy định của Việt Nam và Trung Quốc", lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho hay.

Hiện thị trường Trung Quốc chiếm 98-99% sản lượng tôm hùm xuất khẩu của Việt Nam. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu để làm chủ công nghệ sản xuất giống tôm hùm bông nhân tạo. Đến nay, chỉ còn một giai đoạn lột xác nữa là Việt Nam sẽ sản xuất ra được con giống.

Trước đó, vào tháng 9/2023, người dân ở Khánh Hòa và Phú Yên gặp chuyện "chưa từng có tiền lệ" khi giá tôm hùm bông chỉ còn một nửa (hơn 1 triệu đồng/kg) và rẻ hơn tôm hùm xanh do phía Trung Quốc triển khai Luật Bảo vệ động vật hoang dã mới. Do đó, các doanh nghiệp phải chứng minh là tôm giống không được đánh bắt trực tiếp từ biển, không sử dụng giống khai thác từ tự nhiên, nghĩa là con giống phải là thế hệ F2; đơn vị nhập khẩu phải có giấy phép...

TH&SP