Nguồn cung từ Ecuardo và Ấn Độ dần suy yếu, cuộc chiến về giá hạ nhiệt

Theo báo cáo mới đây của ngân hàng Rabobank (Hà Lan), sản lượng tôm toàn cầu trong năm 2023 ước tính giảm 0,4% so với năm 2022 nhưng sẽ tăng 4,8% trong năm 2024. Trong đó, sản lượng tôm tại hai nước sản xuất lớn là Ecuador và Ấn Độ sẽ tăng trưởng chậm lại.

Cụ thể, ngành tôm của Ecuador hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng giá thấp trong khi chi phí tăng cao. Theo một số ước tính, ngành tôm nước này đã lỗ ròng gần 1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023. Bên cạnh đó, hàng tồn kho ở Trung Quốc, thị trường tiêu thụ trọng điểm của Ecuador, tiếp tục gia tăng càng gây áp lực giảm giá cho tôm xuất khẩu.

Chính phủ Ecuador cũng đã bỏ trợ cấp dầu diesel cho các trang trại nuôi tôm. Ngoài ra, hiện tượng El Nino khiến dịch bệnh lây lan tại nhiều vùng nuôi ở Ecuador. Áp lực giá xuất khẩu tôm giảm cùng chi phí tăng cao đang khiến các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp tại Ecuador trở nên ngần ngại hơn trong việc thả nuôi.

Theo Rabobank, dự kiến tốc độ tăng trưởng sản lượng tôm của Ecuador trong năm 2023 và năm 2024 sẽ lần lượt đạt 6,3% và 6,5% - thấp hơn đáng kể so với các năm trước đây. Nguồn cung ra thị trường chậm lại sẽ tạo điều kiện hỗ trợ giá xuất khẩu tôm của Ecuador hồi phục dần.


Lượng tôm giống nhập khẩu của Ecuador và Ấn Độ đã giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023 là tín hiệu sớm cho thấy sản lượng tôm nguyên liệu của hai nước này sẽ giảm xuống. (Nguồn: Agromonitor, CEIC, Investing.com, VCBS)

Tại Ấn Độ, trước lo ngại cung vượt cầu và tình trạng giá xuất khẩu thấp, ngành tôm nước này đang áp dụng thả nuôi theo từng giai đoạn. Sản lượng tôm thẻ chân trắng trong năm 2023 của Ấn Độ ước tính giảm 12,4% so với năm 2022.

Tuy nhiên, sản lượng tôm sú của Ấn Độ được nhận định duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực khi nhu cầu từ thị trường châu Á vẫn ở mức tốt. Chỉ trong vòng nửa đầu năm 2023, nước này đã xuất khẩu tới 12.000 tấn tôm sú, tăng 137% so với cùng kỳ năm 2022.

Dự báo sản lượng tôm trong năm 2024 của Ấn Độ sẽ phục hồi nhẹ 2%. Dự kiến giá tôm xuất khẩu của Ấn Độ dự kiến không biến động quá mạnh trong thời gian tới nhờ chiến lược điều tiết thả nuôi tốt, theo Rabobank.

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích từ công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sản lượng tôm của hai quốc gia lớn là Ecuador và Ấn Độ nhìn chung vẫn còn dư thừa để đáp ứng nhu cầu toàn cầu trong năm 2024. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh về giá sẽ hạ nhiệt do nguồn cung không còn tăng mạnh như giai đoạn trước đây.

Đáng chú ý, Ecuador đang dần chuyển hướng sang sản phẩm chế biến sâu để nhắm vào thị trường châu Âu và Mỹ. Hãng chế biến xuất khẩu tôm lớn hàng đầu Ecuador là Songa đang đầu tư dây chuyền chế biến tôm GTGT với công suất 91 tấn tôm thẻ chân trắng nguyên liệu/ngày. Điều này sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ và châu Âu.

Xuất khẩu tôm Việt Nam kỳ vọng tăng tốc trong năm 2024


Giá tôm thẻ xuất khẩu (bên trái) và giá tôm sú xuất khẩu (bên phải) của Việt Nam qua các tháng. (Nguồn: Agromonitor, VCBS)

Hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam được kỳ vọng sẽ dần phục hồi khi mặt bằng giá xuất khẩu và nhu cầu tại loại thị trường lớn dần hồi phục trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt rõ rệt.

Một số doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam như Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú hiện đang triển khai nhiều hoạt động nhằm sẵn sàng đón đầu cơ hội khi thị trường khởi sắc trở lại.

Trong đó, Thực phẩm Sao Ta đang dồn lực phát triển tại thị trường Nhật Bản nhằm tránh cạnh tranh về giá trực tiếp với Ecuador tại thị trường Mỹ. Thị trường Nhật Bản có nhu cầu cao về các sản phẩm chế biến sâu vốn là thế mạnh của Thực phẩm Sao Ta. Đặc biệt, Thực phẩm Sao Ta đã xây dựng quan hệ kinh doanh thành công với một số đối tác có nền tảng tốt, giúp đảm bảo đầu ra tại Nhật Bản.


Dự báo sản lượng tôm chế biến và tiêu thụ của Thực phẩm Sao Ta trong những năm tới đây. (Nguồn: Thực phẩm Sao Ta, VCBS)

Bên cạnh đó, vùng nuôi mới rộng 203 ha của Thực phẩm Sao Ta đã được cấp chứng nhận ASC, giúp mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Tây Âu.

Hiện Thực phẩm Sao Ta đang hoàn thiện công tác vận hành tại hai nhà máy mới: Tam An và Sao Ta 2 với tổng công suất thiết kế 20.000 tấn/ngày. Trong đó, nhà máy Tam An và Sao Ta 2 đã vận hành lần lượt được 20% và 2% công suất thiết kế.

Theo VCBS, doanh thu thuần và lãi ròng của Thực phẩm Sao Ta trong năm 2024 có thể lần lượt đạt 6.259 tỷ đồng và 340 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 28% và 22% so với năm 2023.

Đối với Thủy sản Minh Phú, dự kiến nhà máy mới Minh Phát sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động trong năm 2024, giúp nâng tổng sản lượng tôm sản xuất lên 62.220 tấn.

Ngoài ra, hai dự án nhà máy khác của Thủy sản Minh Phú là nhà máy Minh Quý và nhà máy Minh Phú với tổng công suất thiết kế khoảng 30.000 tấn thành phẩm/năm dự kiến sẽ được hoàn thiện và đi vào hoạt động vào giữa năm 2025 - 2027.

VCBS dự báo doanh thu thuần và lãi ròng của Thủy sản Minh Phú trong năm 2024 lần lượt đạt 16.622 tỷ đồng và 832 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 63% và 142% so với năm 2023.

TCCT