Chiều ngày
25/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chứng
kiến lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA).
Đây là FTA
đầu tiên giữa một nước Đông Nam Á với Israel và là FTA thứ 16 giữa Việt Nam với
các đối tác toàn cầu.
Việc ký kết
FTA giữa Việt Nam và Israel đánh dấu thành quả nỗ lực không mệt mỏi của cả hai
nước sau quãng thời gian 7 năm với 12 phiên đàm phán và càng có ý nghĩa trong bối
cảnh hai nước đang tiến hành nhiều hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 30 năm
thiết lập quan hệ ngoại giao.
VIFTA là một
hiệp định toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực mà Việt Nam và Israel cùng quan
tâm như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ
sinh kiểm dịch động thực vật, hải quan, mua sắm chính phủ…
Với việc đạt
được các thỏa thuận tại tất cả các chương trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh
mẽ của hai bên về nâng cao tỉ lệ tự do hóa thương mại với tỉ lệ tự do hoá tổng
thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế trong khi của Việt
Nam là 85,8% số dòng thuế, hai bên kỳ vọng rằng thương mại hai chiều sẽ có sự
tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong thời gian tới.
Ngoài việc
góp phần nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều, VIFTA được
kỳ vọng là đòn bẩy giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước về đầu tư,
thương mại dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ…
Israel là
quốc gia phát triển, có thế mạnh về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn
vốn đầu tư… trong khi Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất
trong khu vực và thế giới, nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP gần 410 tỷ
USD.
Về ngoại
thương, Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế với
kim ngạch xuất nhập khẩu lần lượt đạt trên 668 tỷ USD vào năm 2021 và gần 735 tỷ
USD năm 2022.
Việc ký kết
và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất
khẩu những mặt hàng có thế mạnh của mình sang không chỉ Israel mà còn có điều
kiện tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu.
Ở chiều
ngược lại, hàng hóa và công nghệ của Israel sẽ không chỉ có cơ hội tiếp cận với
thị trường trên 100 triệu dân của Việt Nam mà thông qua Việt Nam còn có cơ hội
tiếp cận thị trường các nước khu vực ASEAN, châu Á-Thái Bình Dương và các nền
kinh tế lớn trong 16 FTA mà Việt Nam là thành viên.
VIFTA sẽ tạo tiền đề để hai Bên tiếp tục khởi động đàm phán, tiến tới ký kết các hiệp định khác như Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Theo BCP