Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại trong 10 tháng năm 2023 đạt gần 7,75 triệu tấn, trị giá gần 2,36 tỷ USD, giá trung bình 304,6 USD/tấn, tăng 2,3% về lượng, nhưng giảm 11,3% kim ngạch và giảm 13,4% về giá so với 10 tháng năm 2022.

Trong đó, riêng tháng 10/2023, nhập khẩu ngô đạt 1,24 triệu tấn, tương đương 330,43 triệu USD, giá trung bình 266 USD/tấn, tăng 7% về lượng và tăng 3,9% kim ngạch so với tháng 9/2023, nhưng giá giảm 2,9%; so với tháng 10/2022 tăng mạnh 37,3% về lượng, tăng 12,3% về kim ngạch nhưng giảm 18,2% về giá.


Tương tự mặt hàng ngô, nhập khẩu đậu tương trong tháng 10/2023 đạt 138.874 tấn, tương đương 83,81 triệu USD, giá trung bình 603,5 USD/tấn, tăng 43,2% về lượng và tăng 43,9% kim ngạch so với tháng 9/2023, giá tăng nhẹ 0,5%; so với tháng 10/2022 tăng nhẹ 4% về lượng nhưng giảm 7,9% về kim ngạch và giá giảm 11,5%.

Lũy kế 10 tháng năm 2023 cả nước nhập khẩu trên 1,61 triệu tấn đậu tương, trị giá gần 1,02 tỷ USD, giá trung bình 632,6 USD/tấn, tăng 5,2% về lượng, nhưng giảm 4,4% kim ngạch và giảm 9,1% về giá so với 10 tháng năm 2022.

Hiện, Việt Nam phụ thuộc khoảng gần 70% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương… từ các nguồn nhập khẩu. Các thị trường cung cấp chính mặt hàng ngô cho nước ta gồm Brazil, Ấn Độ, Argentina, Mỹ, Thái Lan… , mặt hàng đậu tương có Brazil, Mỹ, Canada

Theo các chuyên gia nông nghiệp, ngô và đậu tương đều là những loại cây trồng quen thuộc ở Việt Nam. Tuy nhiên, diện tích 2 loại cây trồng này ở nước ta không lớn, năng suất so với các quốc gia trên thế giới cũng chênh lệch khá nhiều.

Khả năng đáp ứng sản lượng ngô và đậu tương trong nước so với nhu cầu cần sử dụng còn khá khiêm tốn. Chẳng hạn như đối với Ngô, sản lượng và diện tích trồng ngô của Việt Nam có xu hướng sụt giảm sâu kể từ năm 2015 đến nay khiến nguồn cung ngô nội địa chỉ có thể đạt tối đa 4,5 - 5 triệu tấn ngô hạt. Nguyên nhân chủ yếu do năng suất của các giống ngô lai truyền thống đã tới hạn và suy giảm chất lượng, trong khi đó, các giống ngô biến đổi gien vốn cho năng suất cao chưa được phổ biến rộng rãi khiến hiệu quả kinh tế từ việc trồng ngô thấp so với một số giống cây trồng khác.

Do vậy, doanh nghiệp phải nhập lượng hàng lớn về phục vụ nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng như tiêu dùng trong nước.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng đề cập tới vấn đề mở rộng vùng sản xuất ngô, đậu tương tại các địa phương, tiến tới dần tự chủ nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm lượng hàng nhập khẩu.

T/h