Năm 2021, Việt Nam chi gần 5 tỷ
USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ
các thị trường chủ đạo đều tăng so với năm 2020.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng
cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu các loại về
Việt Nam trong năm 2021 đạt trên 4,93 tỷ USD, tăng 28,4% so với năm 2020. Như vậy,
nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong năm qua cao hơn năm 2020 tới
hơn 1 tỷ USD (năm 2020 đạt 3,841 tỷ USD) và là mức cao nhất trong lịch sử nhập
khẩu nhóm hàng này.
Các thị trường chủ yếu cung cấp
thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu cho Việt Nam là Argentina, Mỹ, Brazil và EU.
Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ Argentina, đạt 1,66 tỷ USD, chiếm 33,6% trong
tổng kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu của cả nước, tăng
7,8% so với năm 2020.
Tiếp đến thị trường Mỹ, kim ngạch
tăng rất mạnh 61,7% so với năm 2020, đạt 817,64 triệu USD, chiếm 16,6% tổng kim
ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu.
Trong năm 2021, kim ngạch nhập khẩu
thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu từ các thị trường chủ đạo đều tăng so với năm
2020. Cụ thể, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu từ thị trường Brazil đạt
659,69 triệu USD, chiếm 13,4%, tăng mạnh 68,4% so với năm 2020; nhập khẩu từ thị
trường EU đạt 398,25 triệu USD, chiếm 8%, tăng 39,7%; thị trường Đông Nam Á đạt
362,22 triệu USD, chiếm 7,3%, tăng 20,9%.
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt
Nam tính toán, nhu cầu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đạt
28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD, với mức tăng trưởng
trung bình 11-12%/năm. Trong đó, quá nửa sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn
nuôi (14,5-15 triệu tấn) dành cho ngành gia cầm.
Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn
cung nhập khẩu làm giá thức ăn chăn nuôi trong nước luôn ở mức cao. Trong khi
đó, giá sản phẩm chăn nuôi từ đầu năm đến nay sụt giảm mạnh do nhà hàng, khu
công nghiệp giảm tiêu thụ.., khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có lãi, thậm
chí thua lỗ.
Dự báo, giá các nguyên liệu sản
xuất thức ăn chăn nuôi chính có thể tăng trong năm 2022, khi dịch Covid-19 vẫn
diễn biến phức tạp và chi phí logistics chưa thể hạ nhiệt. Việc này sẽ gây ra
nhiều khó khăn đối với ngành chăn nuôi.
Nguyễn Hạnh - BCT