Thông thường
bạn có thể được khuyên rằng nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm, nhưng việc có một
lịch trình ngủ đều đặn có thể còn quan trọng hơn số giờ bạn ngủ được mỗi đêm.
Một nghiên
cứu gần đây cho thấy ngủ 6 tiếng mỗi đêm theo lịch trình nhất quán có liên quan
đến nguy cơ tử vong sớm thấp hơn so với ngủ 8 tiếng theo lịch trình không đều đặn,
bao gồm giấc ngủ không đều và ngủ trưa.
Theo Tiến
sĩ Rebecca Robbins, nhà nghiên cứu giấc ngủ tại Trường Y Harvard (Mỹ), mặc dù hầu
hết các khuyến nghị đều nhấn mạnh tầm quan trọng của thời lượng giấc ngủ, nhưng
không phải tất cả đều nhấn mạnh đến việc duy trì lịch trình ngủ đều đặn.
Theo chia
sẻ của tiến sĩ Robbins với Verywell: “Việc duy trì một lịch trình ngủ và thức
nhất quán cho phép bộ não của chúng ta biết khi nào chúng ta muốn mệt mỏi và
khi nào cần tỉnh táo. Nói cách khác, khi chúng ta duy trì thời gian ngủ ổn định,
nhịp sinh học bên trong của chúng ta sẽ trở nên hiệu quả hơn và sau đó, chúng
ta có thể chìm vào giấc ngủ nhanh hơn và có giấc ngủ tốt hơn”.
Nhịp sinh
học là một quá trình bên trong cơ thể kiểm soát chu kỳ ngủ - thức và lặp lại
khoảng 24 giờ một lần, báo cho cơ thể bạn biết khi nào là giờ thức dậy và khi
nào là giờ đi ngủ.
Khi thời
gian ngủ và thức của bạn không nhất quán và giấc ngủ của bạn bị gián đoạn, nhịp
sinh học của bạn sẽ bị xáo trộn, khiến cơ thể bạn khó nhận biết khi nào là lúc
đi ngủ và thức dậy. Điều này có thể kéo dài thời gian bạn chìm vào giấc ngủ và
có thể khiến bạn không thể chìm vào giấc ngủ sâu suốt đêm.
Cách tạo thói quen đi ngủ theo lịch trình nhất quán
Ts Robbins cho biết: “Lợi ích của lịch trình ngủ nhất quán là rất lớn, nhưng điều đó không có nghĩa là dễ dàng duy trì sự nhất quán đó. Trẻ em thường là nhóm có thời gian ngủ và thức ổn định, trong khi đó lịch ngủ của người lớn có xu hướng thay đổi tùy theo nhu cầu xã hội, chăm sóc, gia đình hoặc công việc”.
Nhưng bạn
có thể đạt được sự nhất quán nào đó nếu bạn có chủ ý. Ts Robbins khuyên bạn nên
xem lịch trình hàng tuần của mình và tìm thời gian sớm nhất mà bạn thường phải
thức dậy (chẳng hạn như cho cuộc họp), sau đó đặt thời gian đó làm thời gian thức
dậy mục tiêu của bạn 7 ngày trong tuần. Trừ đi tám giờ từ đó, bạn sẽ có thời
gian đi ngủ mục tiêu.
Theo
chuyên gia này, bạn luôn có thể trừ thêm một giờ hoặc lâu hơn và đừng quên tính
đến tối thiểu 15-20 phút để chìm vào giấc ngủ. Bạn hãy chắc chắn sắp xếp thời
gian để thư giãn và nghỉ ngơi trước khi đi ngủ, chẳng hạn như tắt thiết bị điện
tử và đọc sách.
Ts Robbins
nói: “Sau tất cả những phép tính nhẩm đó, hãy đặt đồng hồ báo thức nhẹ nhàng mỗi
ngày vào khoảng thời gian giúp bạn thư giãn khoảng 30 phút trước khi đi ngủ. Sử
dụng báo thức để nhắc nhở bạn về thời điểm nên đi ngủ có thể là một cách tuyệt
vời để đi đúng hướng”.
Mặc dù việc
tạm biệt những đêm thức khuya và ngủ nướng vào cuối tuần có vẻ như là một nhiệm
vụ khó khăn nhưng nó có thể chỉ là chìa khóa để cải thiện chất lượng giấc ngủ của
bạn.
Ts Robbins
cho biết: "Trong nhiều năm, chúng tôi đã tập trung vào các khuyến nghị
liên quan đến thời lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, giấc ngủ rất đa chiều và bức
tranh về sức khỏe giấc ngủ thực sự phải bao gồm các thành phần như thời lượng vừa
đủ, thời gian nhất quán, thức dậy và cảm thấy sảng khoái".
Nếu bạn
đang gặp khó khăn với thói quen ngủ của mình, việc tạo ra một lịch trình ngủ cố
định có thể là cách tốt nhất để giúp bạn có được giấc ngủ mà bạn hằng khao
khát. Hãy thử xác định thời gian thức dậy sớm nhất của bạn trong một tuần bất kỳ
và lên kế hoạch cho lịch trình ngủ và thức của bạn phù hợp với thời gian đó.