Việc ngồi làm việc tưởng chừng đơn giản nhưng nếu làm sai cách lâu ngày dễ dẫn đến hình thành thói quen khó bỏ và kéo theo nhiều bệnh tật. Dưới đây là một số tư thế ngồi tưởng chừng vô hại nhưng lại khiến sức khỏe của chúng ta bị ảnh hưởng khá lớn, đặc biệt là đối với giới văn phòng khi chủ yếu phải ngồi làm việc.

1. Ngồi vắt chéo chân

Vắt chéo chân là tư thế ngồi vô cùng phổ biến và quen thuộc của nhiều người nhất là các chị em dân công sở. Tuy nhiên đây lại chính là thói quen ảnh hưởng rất nhiều sức khỏe khung xương chậu. Theo kênh khoa học và giáo dục Brightside, ngồi vắt chéo chân lâu ngày có thể dẫn đến  tình trạng xương chậu một bên cao hơn bên còn lại và phát triển lệch nhau.


Chuyên gia vật lý trị liệu Vivian Eisenstadt của Mỹ còn cho rằng những người ngồi vắt chéo chân sẽ có nguy cơ bị cả đau lưng và đau cổ. Ngồi vắt chéo chân cũng có thể là nguyên nhân khiến huyết áp tăng, tổn thương dây thần kinh, suy tĩnh mạch, nguy cơ hình thành cục máu đông và cực nhiều bệnh nguy hiểm khác.

2. Ngồi đè lên chân


Việc ngồi đè lên một bên chân được cho là gây nguy cơ tích tụ dịch trong tĩnh mạch chân, dẫn đến bệnh tĩnh mạch mãn tính, suy tĩnh mạch, theo giáo sư Sheldon G. Sheps từ Viện Mayo Clinic. Van tĩnh mạch chân không hoạt động đúng cách nên máu không thể di chuyển bình thường từ chân đến tim, đây là nguyên nhân gây bệnh tĩnh mạch mãn tính.

Lúc này, máu bám vào các vị trí như cẳng chân, bàn chân khiến chúng bị đau và sưng tấy. Những cơn đau này thường được miêu tả như bị bỏng rát hoặc chuột rút và chủ yếu ở bắp chân.

3. Ngồi làm việc một chỗ quá lâu

Ngồi một chỗ quá lâu là tình trạng thường xảy ra với những nhân viên văn phòng, khi họ luôn bận rộn với hàng đống hồ sơ và tài liệu mỗi 8 tiếng một ngày. Tính chất công việc của dân công sở đòi hỏi phải luôn làm việc với giấy tờ, máy tính nên không thể tránh khỏi việc ngồi hàng tiếng đồng hồ một chỗ.

Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ cho biết, những người ngồi quá lâu ở một vị trí mà không vận động có thể bị viêm cơ quan nội tạng ở vùng bụng dưới dẫn đến ung thư. Kiểu ngồi này cũng làm cơ thể trở nên ù lì, kém linh động do không hoạt động thể chất dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung và ung thư đại trực tràng.


Ngồi lâu một chỗ cũng vô hình trung dồn một áp lực lớn lên các tĩnh mạch ở chân và ảnh hưởng đến sự lưu thông máu, theo TS Douglas Bradley - Giám đốc The Centre for Sleep Medicine and Circadian Biology thuộc Đại học Toronto cho biết. Chính vì vậy, khi bạn nằm xuống, máu sẽ lưu thông tới các cơ bắp và cơ cổ khiến những phần này của cơ thể bị sưng lên.

Cơ cổ sưng dẫn đến khó thở, hoặc thậm chí là trạng thái ngưng thở khi ngủ, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ và chất lượng cuộc sống của con người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng thống kê được có tới 60-85% dân số thế giới có lối sống ít hoạt động.

Một nghiên cứu khoa học khác cũng chứng minh người ngồi làm việc nhiều hơn 7 giờ mỗi ngày có thể mắc tiểu đường tuýp 2. Đây cũng chính là lý do cho việc tư thế ngồi này trở thành nguyên nhân gây cái chết nhiều thứ 4 thế giới.

4. Ngồi Ghế quá thấp

Đôi khi văn phòng làm việc có thể cố định một số loại ghế ngồi, nhưng người lao động không chú ý, nếu Ghế ngồi quá thấp sẽ khiến cho người ngồi bị kéo thấp theo ghế, dẫn đến khung xương chậu bị thu ngắn về phía sau, cột sống bị cong. Do vậy nếu cảm thấy không phù hợp với loại ghế theo quy định tại văn phòng bạn nên đề xuất đổi sang chiếc ghế ngồi phù hợp hơn để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe và hiệu quả làm việc.

5.Tư thế ngồi tốt cho sức khỏe

Theo khuyến cáo từ Các chuyên gia sức khỏe tư thế ngồi đúng cách như sau: Hai chân tiếp xúc hoàn toàn với mặt đất, hai đầu gối vuông góc, hông vuông góc với thân người, lưng phải thẳng, mắt nhìn thẳng và đầu cổ giữ thẳng một đường với sống lưng.


Nếu ngồi làm tại bàn làm việc, bạn nên điều chỉnh độ cao ghế vừa phải để mắt nhìn vừa tầm, không bị cao hay thấp quá. Nếu làm việc với máy tính xách tay, bạn có thể kê vài quyển sách dưới máy tính hoặc mua dụng cụ kê máy tính có bán rất nhiều hiện nay để máy tính được ngang đúng với tầm với tay và mắt của mình.

Bên cạnh đó, đừng quên nghỉ ngơi bằng cách giãn cơ và vận động nhẹ nhàng sau khoảng 1-2 tiếng ngồi làm việc liên tục. Bạn có thể di chuyển xung quanh văn phòng, ngồi thiền hoặc tập yoga nếu làm việc ở nhà hoặc đi lên xuống cầu thang,... Chỉ 10-15 phút nghỉ giữa những quãng ngồi lì làm việc cũng sẽ giúp bạn sạc thêm năng lượng, cơ thể và đầu óc thư giãn, tỉnh táo hơn để làm việc.

T/h