Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TPHCM vừa có báo cáo gửi Bộ LĐ-TB&XH
về tình hình tiền lương, lao động và việc làm trên địa bàn năm 2022.
Sở
LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, đã khảo sát gần 3.800 doanh nghiệp trên địa bàn
trong tháng 3 vừa qua (so với cuối năm 2022). Kết quả cho thấy, tình hình đảm bảo
việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp đang ở mức độ cần chú ý, nhưng
chưa đến mức bi quan.
Cụ thể, có
gần 51% doanh nghiệp phản hồi giữ nguyên số lao động, hơn 18% dự kiến sẽ tuyển
dụng thêm, gần 31% số doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động (cắt giảm hơn
19.500 lao động). Xu hướng cắt giảm lao động tiếp tục rơi vào nhóm doanh nghiệp
trong lĩnh vực da giày, dệt may, xây dựng, chế biến lương thực phẩm.
Đáng chú ý, có gần 72% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như cũ, gần 21% dự kiến mở rộng sản xuất, chỉ 7% dự kiến phải cắt giảm hoặc thu hẹp hoạt động. Trong nhóm thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, nguyên nhân chính do thiếu đơn hàng, hết hợp đồng lao động không ký lại…
Trong quý
II năm nay, với gần 3.800 doanh nghiệp được khảo sát, chỉ hơn 800 doanh nghiệp
có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động, với tổng số hơn 13.000 người. Hơn 2.900
doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển thêm lao động hoặc chưa biết có tuyển thêm
hay không vì phụ thuộc vào thực tế hoạt động. Với quý III, cũng có hơn 57%
doanh nghiệp trả lời chưa biết tình hình lao động tại doanh nghiệp sẽ theo chiều
hướng nào.
Dù vậy, phần lớn doanh nghiệp được hỏi về triển vọng kinh doanh nửa cuối năm nay trả lời hoạt động bình thường (hơn 62%), hơn 16% dự kiến sẽ tăng trưởng, hơn 9% dự kiến vẫn thiếu hụt đơn hàng, còn lại là các nhận định khác.
Về tình
hình tiền lương năm 2022 sau khi lương tối thiểu tăng thêm 7% từ ngày 1/7/2022,
Sở LĐ-TB&XH TPHCM thông tin, việc điều chỉnh tăng lương của các doanh nghiệp
gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 kéo dài. Các doanh nghiệp tập
trung chủ yếu cho phòng, chống dịch, cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, kinh
doanh nên việc tính toán tăng lương cho người lao động theo quy định chưa được
quan tâm nhiều.
Việc tăng
lương tối thiểu cùng các chi phí khác tăng theo, trong khi doanh thu, lợi nhuận
không tăng. Điều này tạo áp lực cho các doanh nghiệp phải tính toán, cân đối kỹ
lưỡng để không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Một số
doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu trên hệ thống thang,
bảng lương nhưng giảm hoặc bỏ hệ số đã đăng ký thực hiện trước đây. Do đó, mức
lương của người lao động có tăng nhưng nhìn chung vẫn thấp, thu nhập từ lương
không theo kịp mức tăng giá cả sinh hoạt.
Sở
LĐ-TB&XH TPHCM kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Chính phủ có các giải pháp
hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp cũng như người lao động; kết nối cung cầu
lao động. Qua đó giúp doanh nghiệp duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh
doanh và giữ chân người lao động.
Sở
LĐ-TB&XH TPHCM cũng kiến nghị, khi công bố tăng mức lương tối thiểu, Chính
phủ cần có chính sách kiểm soát chỉ số giá và lạm phát, ổn định giá cả các mặt
hàng thiết yếu. Mặt khác, cần ban hành và công bố sớm để cộng đồng doanh nghiệp
và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương tổ chức tốt việc triển khai thực
hiện.
Thời gian
tới, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, sẽ phối hợp với các quận/huyện, cơ quan
liên quan để nắm bắt tình hình lao động, việc làm; chủ động hướng dẫn, giải quyết
các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể; tổ chức kết
nối, giới thiệu việc làm; giải quyết kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp…
Theo số liệu
thống kê của Sở LĐ-TB&XH, hết năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở
lên trên địa bàn TPHCM trên 4,6 triệu người (chiếm hơn 60% dân số). Trong đó,
có hơn 4,4 triệu người đang làm việc (chiếm hơn 57% dân số).
BTP