Văn phòng
Chính phủ ngày 8/4 đã ra thông báo kết luận của thường trực Chính phủ về quy hoạch
vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong thông báo
kết luận, bên cạnh những nội dung cụ thể về quy hoạch vùng như không gian phát
triển vùng, không gian văn hóa, không gian các dòng sông, không gian phát triển
đô thị còn có không gian phát triển giao thông.
Trong đó, thông báo có nêu về không gian phát triển giao thông cần nghiên cứu, mở rộng phát triển, tổ chức giao thông cho phù hợp, có tính đột phá nhằm giải quyết tắc nghẽn giao thông trong khu vực và liên kết vùng.
Bên cạnh
đó rà soát, bổ sung đẩy mạnh quy hoạch đường sắt và tàu điện ngầm tại Thủ đô Hà
Nội, phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam (đoạn đi qua vùng đồng bằng sông Hồng).
Đặc biệt,
tại bản thông báo kết luận về quy hoạch vùng, Chính phủ nhấn mạnh "ưu tiên
chuẩn bị và khởi công trước năm 2030 tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội
- Hải Phòng - Quảng Ninh và tuyến đường đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội
kết nối với Trung Quốc".
Tuyến đường
sắt Hà Nội - Lạng Sơn có điểm đầu là ga Gia Lâm (Hà Nội) và điểm cuối ga Đồng
Đăng là ga đặc biệt quan trọng kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế
sang ga Bằng Tường (Trung Quốc).
Đây là ga
liên vận quốc tế nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, có diện
tích khoảng 56.000 m2, bao gồm khu trung tâm, quảng trường ga, phòng đợi, cung
đường sắt, bãi hóa trường… với 10 đường sắt đều là khổ lồng (có thể chạy được
tàu khổ 1.000mm và 1.435mm).
Tuyến đường
sắt khổ lồng này chạy từ Ga Đồng Đăng về đến Ga liên vận quốc tế Gia Lâm (Hà Nội)
có chiều dài toàn tuyến khoảng 167km và có 23 ga trên toàn tuyến; năng lực
thông qua tối đa có thể chạy 19 đôi tàu/ngày đêm.
Còn tuyến
đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tư vấn đề xuất định hướng
quy hoạch tuyến khổ 1.435 mm, điện khí hóa, là đường đơn trong ngắn hạn và đường
đôi trong dài hạn. Tổng chiều dài toàn tuyến hơn 441 km, vận tốc thiết kế tối
đa 160 km/giờ.
Khối lượng
dự báo nhu cầu giai đoạn ngắn hạn của tuyến này ước tính là 16 đôi/ngày đêm đối
với tàu khách, 7,28 triệu tấn/năm đối với khối lượng hàng hóa và 23,28 triệu tấn/năm
đối với lượng hàng hóa quy đổi (cả hành khách và hàng hóa).
Dự kiến tổng
mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) của tuyến Lào Cai - Hà Nội
- Hải Phòng ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng.
Liên quan
tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn kết nối với Trung Quốc, từ năm 2021, UBND tỉnh
Lạng Sơn từng đề xuất được quy hoạch là đường sắt tốc độ cao để đầu tư sau năm
2030. Tuy nhiên, phản hồi về đề xuất này, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt
Nam cho rằng, lưu lượng vận chuyển hàng hóa, hành khách trên tuyến này rất thấp,
hiện vẫn đang dư thừa năng lực. Riêng tàu thông quan giữa Việt Nam - Trung Quốc,
năng lực có thể chạy 6 đôi tàu/ngày, nhưng hiện mới chỉ chạy được 1 đôi
tàu/ngày.
Tương tự,
lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng, theo các chiến lược, quy hoạch hiện
nay về đường sắt, đối với các tuyến đường sắt hiện có kết nối với đường sắt
Trung Quốc là Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, sẽ thực hiện cải tạo, nâng
cấp, chưa đặt ra vấn đề đầu tư mới.
Gần đây nhất
là vào tháng 1/2023, tại buổi thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Phó đoàn Bắc Giang Trần Văn Tuấn đã có đề nghị bổ
sung dự án đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn vào danh mục ưu tiên trong
các dự án quan trọng quốc gia giai đoạn 2021-2030.
"Tuyến
đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn cần sớm đầu tư vì chi phí không quá lớn,
khả thi, khi hoàn thành có thể vận hành được ngay do Trung Quốc đã có hệ thống
đường sắt hiện đại, đồng bộ, kết nối với nhiều nước", VnExpress dẫn lời
ông Tuấn nói tại buổi thảo luận.
Tập đoàn lớn
Trung Quốc sẵn sàng tham gia khảo sát, thiết kế xây dựng đường sắt
Thời gian
này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đang có chuyến thăm chính thức Trung
Quốc và có nhiều buổi gặp mặt các lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo các tập đoàn,
công ty lớn của Trung Quốc để bàn về nhiều vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan
tâm trong đó có lĩnh vực đường sắt.
Cụ thể, tại
buổi hội đàm với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn
quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế ngày 8/4, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Trung Quốc tạo
điều kiện sớm thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Thành Đô (Tứ
Xuyên), Hải Khẩu (Hải Nam) và Nam Kinh (Giang Tô); tiếp tục mở rộng nhập khẩu
hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam, sớm đàm phán ký kết Thỏa thuận khung về
thương mại gạo.
Bên cạnh
đó triển khai hiệu quả xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh, nâng cao hiệu suất
thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam quá cảnh đường sắt
Trung Quốc đi nước thứ ba qua tuyến đường sắt Á - Âu.
Ông Vương
Đình Huệ cũng mong muốn hai bên phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số
dự án hợp tác, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại của
Trung Quốc dành cho Việt Nam. Nghiên cứu hợp tác xây dựng một số dự án đường sắt
khổ tiêu chuẩn đoạn Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Lạng Sơn.
Cũng trong
ngày, Chủ tịch Quốc hội có buổi tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của
Trung Quốc trong lĩnh vực giao thông, đường sắt, năng lượng, trong đó có ông Đới
Hòa Căn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn xây dựng công trình đường sắt
Trung Quốc (CRCC).
Tại đây,
Chủ tịch tập đoàn CRCC cho biết tập đoàn đang có một số dự án hạ tầng triển
khai tại Việt Nam và khẳng định tập đoàn tiếp tục sẵn sàng góp phần vào sự phát
triển hạ tầng của Việt Nam, trong đó có khảo sát thiết kế xây dựng đường sắt.
Chủ tịch
Quốc hội cho biết, tuyên bố chung được xác lập năm 2023 vừa qua, hai bên đã nhất
trí kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới, tuyến đường sắt khổ tiêu
chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Đồng Đăng-Hà Nội, Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng.
Đây là hệ thống hạ tầng quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt
Nam-Trung Quốc. Trên cơ sở đó, tập đoàn CRCC nghiên cứu, khảo sát hỗ trợ tư vấn,
có các đề xuất để có thể tham gia đấu thầu các dự án thuộc lĩnh vực này.
CF