Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng ô tô của Việt Nam vừa thu về hơn 1,45 tỷ USD trong tháng 6, tăng 2,9% so với tháng trước. Lũy kế trong 2 quý đầu năm, mặt hàng này đã thu về hơn 8,2 tỷ USD, tăng 12,8%.
Các thị
trường nhập khẩu lớn của Việt Nam là các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô
phát triển hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức…
Mỹ tiếp tục
là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở mặt hàng này, với gần 1,7 tỷ
USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhật Bản
là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 nhóm hàng này của Việt Nam với hơn 1,6 tỷ
USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Hàn Quốc là thị trường xuất
khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với hơn 896 triệu USD, tăng 10,6%.
Điều này
cho thấy, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang là ba thị trường chính "chiếm
lĩnh" mặt hàng xuất khẩu này từ Việt Nam.
Sự tăng
trưởng vượt bậc này không phải ngẫu nhiên. Thống kê của Cục Hải quan chỉ ra rằng
kim ngạch xuất khẩu phụ tùng ô tô của Việt Nam đã duy trì nhịp độ tăng trưởng
hai con số trong những năm gần đây.
Lý giải
cho điều này, các chuyên gia nhận định đây là kết quả của quá trình chuyển dịch
sản xuất từ các thị trường lớn như Trung Quốc sang các thị trường tiềm năng hơn
tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Các doanh
nghiệp Việt cũng đã và đang bắt nhịp tốt với nhu cầu sản xuất quy mô lớn và
ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt,
theo chuyên gia của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), các
doanh nghiệp Việt Nam sở hữu thế mạnh lớn trong sản xuất dây điện cho ô tô. Thực
tế, Việt Nam hiện đang là quốc gia xuất khẩu mặt hàng này đứng thứ 3 thế giới,
chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Các trung tâm ô tô lớn như Nhật Bản, Mỹ, EU và
ngay cả Thái Lan cũng đang nhập khẩu dây cáp điện ô tô từ Việt Nam, điều này khẳng
định vị thế của Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng vật tư
lắp ráp ô tô toàn cầu.
Dù đầy hứa
hẹn, ngành xuất khẩu phụ tùng ô tô của Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức
mới. Từ ngày 3/5/2025, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã chính thức áp
dụng mức thuế 25% đối với 332 mặt hàng phụ tùng ô tô nhập khẩu từ các bộ phận
cơ khí, điện tử, truyền động đến hệ thống điều khiển. Đây là một biện pháp tiếp
nối nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô nội địa và giảm
thâm hụt thương mại.
Trước bối
cảnh trên, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn vào công
nghệ sản xuất, quản lý chất lượng và chuyển đổi số. Đồng thời, việc thúc đẩy hợp
tác FDI trong ngành công nghiệp phụ trợ là cực kỳ quan trọng. Đặc biệt, cần đẩy
nhanh tiến trình xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt, đồng bộ về logistics
và cơ sở hạ tầng để thu hút thêm các đối tác lớn như Nhật Bản, Đức, Mỹ và Hàn
Quốc.
Bộ Công
Thương cũng đã đưa ra hoạch định đầy tham vọng: đến năm 2045, ngành này sẽ tập
trung vào sản xuất xe điện, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng tái tạo và nhiên
liệu xanh. Mục tiêu cụ thể là đạt khoảng 14 tỷ USD xuất khẩu phương tiện và phụ
tùng vào năm 2030, và con số này sẽ tăng lên 36 tỷ USD vào năm 2045.