Trong bối cảnh chuyển dịch mạnh mẽ từ mua bán trực tiếp sang hình thức trực tuyến, thương mại điện tử đang trở thành ngành học thu hút sự quan tâm lớn trong kỷ nguyên số. Việc sử dụng các nền tảng trực tuyến làm trung gian đã giúp lưu thông hàng hóa tăng mạnh, đồng thời mở ra cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho nhiều người trẻ.
Lựa chọn
vì tính ứng dụng cao
Thực tế
cho thấy, sự cạnh tranh khốc liệt về giá khi mua hàng trực tuyến thấp hơn nhiều
lần so với mua bán kiểu truyền thống đã khiến thương mại điện tử trở thành
phương thức kinh doanh không thể thiếu của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực
như tài chính, ngân hàng, vận tải, hàng không, du lịch, sản xuất công nghiệp, sản
xuất tiêu dùng…
Sự bùng nổ
của thương mại điện tử không chỉ thay đổi cách thức kinh doanh mà còn tạo ra
hàng chục nghìn công việc mới, đặc biệt là cơ hội cho lao động được đào tạo
chuyên nghiệp trong ngành thương mại điện tử. Đây được xem là động lực quan trọng
thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số trong tương lai.
Nguyễn
Tùng Dương (19 tuổi, quê Bình Phước) quyết định theo đuổi ngành thương mại điện
tử bởi đây là ngành học có tính ứng dụng cao, phù hợp với xu hướng hiện đại.
“Tỷ lệ người mua hàng online ngày càng nhiều, trong khi mua bán trực tiếp có xu hướng giảm. Trước đó, em có đắn đo giữa nhiều ngành, nhưng khi trực tiếp học mới thấy lựa chọn học ngành thương mại điện tử là đúng. Tại trường, em được học những kiến thức nền tảng về kinh doanh, marketing, kỹ năng chuyên sâu, phân tích dữ liệu, chạy quảng cáo, tối ưu sàn thương mại điện tử”, Dương chia sẻ.
Chung sở
thích với Dương, Nguyễn Thị Thảo Vân (19 tuổi, quê Cà Mau) cũng lựa chọn ngành
thương mại điện tử vì nhận thấy đây là ngành học thực tế, gắn liền với xu thế
hiện đại. “Ngay từ khi còn học THPT, em đã xác định theo đuổi ngành này. Qua
tìm hiểu, em biết rằng thương mại điện tử không chỉ dành riêng cho kinh doanh
mà còn phù hợp với những ai yêu thích sáng tạo, chạy quảng cáo hay lập kế hoạch
kinh doanh”, Vân cho biết.
Thảo Vân
cũng chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi theo học ngành này: “Thương mại
điện tử là ngành năng động và thực tế. Sinh viên có thể áp dụng ngay kiến thức
vào thực tế, từ bán hàng online, chạy quảng cáo đến tối ưu hiệu suất trên các
sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, ngành này luôn thay đổi, nếu không chủ động
học hỏi, bạn sẽ dễ bị tụt lại phía sau. Bên cạnh đó, việc nắm vững lý thuyết và
thực hành thường xuyên là điều cần thiết”.
Về kế hoạch
tương lai, Thảo Vân cho biết: Dự định xin vào các công ty chuyên về thương mại
điện tử để được làm đúng ngành, đúng nghề, khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, sẽ
kinh doanh riêng.
Nhiều bạn trẻ lựa chọn học ngành Thương mại điện tử vì phù hợp với xu hướng
công nghệ 4.0. Ảnh: Lâm Ngọc
Kết hợp giữa công nghệ và kinh doanh
Theo các
chuyên gia đào tạo, tuyển sinh, thương mại điện tử đang trở thành một trong những
ngành học hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Sự
bùng nổ công nghệ và thói quen mua sắm online mở ra cơ hội nghề nghiệp đa dạng,
từ quản lý sàn thương mại điện tử, digital marketing, logistics đến phân tích dữ
liệu khách hàng.
Người trẻ
ngày nay rất nhanh nhạy với xu hướng số hóa và muốn tìm kiếm một ngành học vừa
có tính ứng dụng cao, vừa có cơ hội phát triển lâu dài. Vì đó, ngành thương mại
điện tử trở thành lựa chọn đầy hứa hẹn.
ThS Nguyễn
Hoàng Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Sài Gòn (quận Tân Phú,
TPHCM) nhận định, thương mại điện tử là sự kết hợp giữa công nghệ và kinh
doanh, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình bán hàng, tiếp cận khách hàng
nhanh chóng và gia tăng lợi thế cạnh tranh trên nền tảng số. Ngành này không chỉ
giới hạn ở việc bán hàng online mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực như: Thanh toán
điện tử, logistics thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI) trong tiếp thị và tự động
hóa quy trình kinh doanh.
Theo ThS
Tiến, tỷ lệ tuyển sinh vào ngành Thương mại điện tử tại Trường Cao đẳng Công
nghệ Sài Gòn có xu hướng gia tăng. Do đó, để đáp ứng nhu cầu của sinh viên, nhà
trường đã mở rộng quy mô đào tạo, bổ sung các kỹ năng chuyên ngành sâu như: Quản
trị thương mại điện tử, Phân tích dữ liệu kinh doanh và Digital marketing. Điều
này phản ánh nhu cầu thị trường rất lớn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao
trong lĩnh vực này.
Đánh giá về
năng lực học tập của học sinh ngay từ khi còn học THPT, ThS Tiến cho rằng, với
xu hướng phát triển công nghệ 4.0, học sinh có lợi thế lớn khi tiếp cận công
nghệ từ sớm, đặc biệt là kỹ năng sử dụng các nền tảng số và tư duy kinh doanh
online. Tuy nhiên, để theo học và phát triển trong ngành thương mại điện tử,
người học cần trang bị thêm tư duy chiến lược, khả năng phân tích dữ liệu, kỹ
năng sáng tạo nội dung và kiến thức về quản trị kinh doanh. Ngoài ra, khả năng
tự học, cập nhật xu hướng công nghệ liên tục là yếu tố quan trọng.
Ngành
thương mại điện tử thay đổi rất nhanh, từ thuật toán tìm kiếm, hành vi tiêu
dùng cho đến phương thức thanh toán và vận hành logistics. Vì vậy, những bạn trẻ
có tinh thần đổi mới, linh hoạt và đam mê với kinh doanh số sẽ có cơ hội phát
triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này.
Theo ThS
Tiến, sau khi tốt nghiệp ngành thương mại điện tử, người học có thể làm chuyên
gia chuyển đổi số, chuyên viên digital marketing, chuyên viên quản trị, xây dựng
các hệ thống giao dịch thương mại, kinh doanh online tại doanh nghiệp, chuyên
viên lập dự án, hoạch định chính sách phát triển thương mại điện tử và kinh tế
số; tư vấn viên cho các công ty tư vấn, đề xuất giải pháp, xây dựng và bảo trì
các dự án công nghệ thông tin liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển
đổi số, cán bộ nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin ở các viện,
trung tâm, cơ quan nghiên cứu của các bộ, ngành, giảng viên ngành thương mại điện
tử, chuyên ngành kinh tế số tại các trường đại học, học viện, viện, cao đẳng và
trung cấp…
“Đặc biệt,
ngay còn khi là sinh viên ngành thương mại điện tử, người trẻ hoàn toàn có thể
khởi nghiệp - start up với chính những kỹ năng được trau dồi trong quá trình học”,
ThS Tiến nói.
ThS Nguyễn
Hoàng Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Sài Gòn cho biết thêm:
“Thương mại điện tử cũng là một trong những ngành nghề có thể giúp mang lại nguồn
thu nhập không có giới hạn. Mức lương sau khi tốt nghiệp dao động từ 8 - 20 triệu/tháng,
tùy theo vị trí và năng lực”.
GD&TĐ