Trong cuộc khảo sát thường niên của
Cushman & Wakefield với các khách hàng hàng đầu toàn cầu cho thấy, Việt Nam
là thị trường mới nổi ưa thích của họ để đầu tư, chiếm gần 80% số phiếu bầu.
Đáng chú ý, với quy mô thị trường lớn, số lượng người tiêu dùng trực tuyến tăng
nhanh, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng ngoạn
mục.
Năm 2023, thương mại điện tử của Việt
Nam dự kiến đạt hơn 20 tỷ USD. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ
Công thương), doanh thu thương mại điện tử tiếp tục ghi nhận tăng trưởng ấn tượng
trong 6 tháng đầu năm 2023, khi đạt khoảng 10,3 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ
năm ngoái, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman
& Wakefield cho biết, với sự phát triển của thương mại điện tử, Việt Nam
đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần. Điều
này đi đôi với nhu cầu tăng cao về bất động sản logistics chất lượng cao.
Hiện, tổng nguồn cung nhà kho ở Hà Nội
và TP.HCM chỉ đạt lần lượt 2,022 triệu m2 và 5,13 triệu m2. Các khu công nghiệp
và hậu cần kho bãi tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đang có tỷ
lệ lấp đầy cao, có những nơi đạt gần 100%.
Nhu cầu sẽ ngày càng lớn trong thời gian
tới, nguồn cung không thể đáp ứng khiến sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp bán
lẻ và vận chuyển tăng lên.
Chớp thời cơ này, nhiều doanh nghiệp lớn
nước ngoài đã mở các trung tâm logistics tại Việt Nam. Năm 2022, công ty cung cấp
dịch vụ cung ứng FM Logistic có trụ sở chính tại Pháp khai trương Trung tâm
phân phối đô thị mới có diện tích 20.000 m2 tại Dĩ An (Bình Dương). Đây là
trung tâm phân phối đô thị đa khách hàng cho các doanh nghiệp trong ngành hàng
tiêu dùng nhanh (FMCG) và ngành bán lẻ. Ngay sau đó, họ đã có được hợp đồng quản
lý dịch vụ vận hành trung tâm phân phối đa kênh và giao hàng chặng cuối cho gần
10.000 cửa hàng tạp hóa truyền thống tại các khu vực trong TP.HCM.
Mới đây, FM Logistic Việt Nam cũng khánh
thành trung tâm phân phối đa khách hàng hiện đại ở huyện Bắc Tân Uyên (Bình
Dương). Trung tâm này có diện tích trên 20.000 m2, khả năng mở rộng lên đến
50.000 m2, trang bị 78 cửa xuất nhập hàng, cùng các tính năng thiết lập an toàn
và bảo mật cao, cung cấp các dịch vụ lưu trữ, quản lý, vận hành và phân phối, tối
ưu hóa chi phí.
Ông Hamza Harti, Giám đốc điều hành FM
Logistic Việt Nam nhận định, thời gian tới, thị trường dịch vụ kho bãi sẽ có xu
hướng dịch chuyển ra xa TP.HCM.
Có thể nói, Việt Nam đang đứng trước cơ
hội nâng tầm giá trị chuỗi cung ứng của nhà sản xuất và đây chính là thời cơ
vàng để tăng GDP. Đặc biệt, vừa qua, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe
Biden tới Việt Nam, hai bên đã đạt thỏa thuận về hợp tác toàn diện, phát triển
thị trường sản xuất công nghệ cao và bán dẫn.
Với các đặc điểm địa lý thuận lợi, cũng
như cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh mẽ và hàng loạt chính sách thúc đẩy
đầu tư từ Chính phủ, Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để thu hút “đại
bàng” đến làm tổ.
Theo bà Trang Bùi, những con số ấn tượng
cùng những dự báo đầy triển vọng cho thấy tiềm năng của logistics tại Việt Nam
rất lớn, hoàn toàn có thể trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho các chủ đầu tư có tầm
nhìn và tiềm lực mạnh.
“Năm 2022, Việt Nam được xếp hạng 11 trong 50 thị
trường logistics mới nổi toàn cầu. Năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong
bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics. Tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam
bình quân là 14-16%/năm, đưa đóng góp của logistics vào GDP hàng năm ở mức
4-5%; góp phần quan trọng trong việc nâng cao tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của
Việt Nam”, đại diện Cushman & Wakefield thông tin.
Hạ tầng là một phần tất yếu trong việc
phát huy toàn bộ tiềm năng và sự phát triển thành công của thị trường
logistics. Theo ông Elias Abraham, Giám đốc điều hành Công ty Zim Intergrated
Shipping, ngành logistics Việt Nam cần làm ngay là chuyên biệt hóa kho xưởng,
đơn giản hóa các kho xưởng và không làm quá nhiều kho ở khắp nơi và kho tổng hợp
chung chung, mà chỉ làm một thứ cho thật tốt.
Bà Phạm Thị Bích Huệ, nhà sáng lập, Chủ tịch Công ty Western Pacific chỉ rõ điểm nghẽn lớn nhất của logistics Việt Nam là hạ tầng, với việc thiếu quy hoạch từ địa phương, vùng miền, đã làm chi phí tăng lên, giảm năng lực cạnh tranh.
“Trong 5 năm gần đây, các tổ chức nước
ngoài đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực logistics rất nhiều. Họ đã sở
hữu hạ tầng với số diện tích bằng của các doanh nghiệp trong nước cộng lại. Cộng
đồng logistics Việt Nam nếu không ngồi lại với nhau để tìm cách khắc phục những
bất cập thì miếng bánh ngon này sẽ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, còn
doanh nghiệp logistics Việt Nam bị thua ngay trên sân nhà”, bà Huệ lo ngại.
BĐT