Nhiều năm
nay, quỹ đất sạch trong các khu công nghiệp hiện hữu của TP.HCM và một số tỉnh
Đông Nam bộ, như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước gần như đã hết, gây khó khăn
cho DN tìm hiểu cơ hội đầu tư và cả DN mở rộng sản xuất.
Cùng với
đó là tình trạng các cơ sở sản xuất công nghiệp xen cài trong khu dân cư muốn
nâng cấp hoặc xây mới nhà xưởng để thay đổi công nghệ, phát triển sản xuất cũng
rất khó do không được luật định, không có quy định xây dựng nhà xưởng như thế
nào. TP.HCM và các tỉnh đang thực hiện một số biện pháp như xây dựng nhà xưởng
cao tầng trong khu công nghiệp, lên kế hoạch mở khu mới, đồng thời ghi nhận kiến
nghị về luật, quy định, đề xuất Chính phủ bổ sung, tháo gỡ.
Thiếu đất
sạch cho công nghiệp
Khu chế xuất,
khu công nghiệp của TP.HCM hình thành và phát triển vào đầu những năm 1990, với
mục tiêu ban đầu nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu,
tạo tiền đề hội nhập nền kinh tế Việt Nam với thế giới. Đến nay, TP.HCM có 17
khu chế xuất, khu công nghiệp trong tổng số 19 khu được thành lập đã đi vào hoạt
động, diện tích đất cho thuê đạt 1.948 ha/tổng số 2.539ha đất công nghiệp, đạt
tỷ lệ lấp đầy 77%. Tình trạng hết đất sạch cho công nghiệp ở TP.HCM đã được lên
tiếng từ lâu, song gần đây trở nên căng thẳng hơn khi nhiều đối tác nước ngoài
và cả DN trong nước đi tìm kiếm cơ hội đầu tư nhưng không có đất.
TP.HCM còn rất ít đất sạch trong các khu công nghiệp.
Ông Đặng
Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết,
khi tìm hiểu cơ hội đầu tư trung tâm logistics ở Khu công nghệ cao TP.HCM vẫn
còn một ít đất sạch, nhưng DN vướng ngay vào yêu cầu đầu tư quá cao. Bình thường
đầu tư kho logistics khoảng 5-6 triệu USD/ha, nhưng tại khu này yêu cầu phải đầu
tư 15 triệu USD/ha. Còn khi tìm hiểu ở Cảng Long Bình không có quỹ đất, hoặc có
đất nhưng để đền bù thành đất công nghiệp rất phức tạp.
“Quy hoạch
cho DN logistics là có nhưng không có quỹ đất, trong khi quỹ đất bản thân DN phải
giải quyết. Quy hoạch tại cảng Long Bình khi DN tìm hiểu chi tiết đã thấy quỹ đất
để DN có thể đầu tư lại vô cùng phức tạp, trong thời gian tới khó có thể giải
quyết được việc này”, ông Thành cho biết.
Thiếu đất
công nghiệp cũng diễn ra ở nhiều tỉnh khu vực Đông Nam bộ. Mới đây, tại cuộc họp
với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, đại diện Đồng Nai, Bình Phước đã phản ánh điều
này. Đối với tỉnh Đồng Nai, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, ở Đồng
Nai, hiện nay có 32 khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 80%.
Tuy nhiên,
20% đất công nghiệp còn lại chủ yếu ở huyện Định Quán rất “kén” nhà đầu tư vì
cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông nơi đây còn hạn chế. Thiếu quỹ đất công nghiệp
nên việc thu hút đầu tư bị chững lại. Vừa qua, tỉnh bổ sung được 6.500ha để
phát triển công nghiệp và đã có các nhà đầu tư mong muốn hợp tác nhưng chưa được
Chính phủ phê duyệt.
“Nếu bên đầu
tư cần Chủ tịch Đồng Nai kiếm cho 5ha để kêu gọi dự án A, B, C cũng không có
cách nào vì hết đất. Đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Chính phủ xem xét cho Đồng
Nai một khu để sớm đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện thu hút đầu tư giai đoạn tới.
Sân bay sắp có, cảng biển, đường cao tốc sắp đấu nối là những điều kiện rất tốt
nhưng quỹ đất công nghiệp ở Đồng Nai thực sự khó khăn”, ông Cao Tiến Dũng nói.
Cũng liên
quan đến quỹ đất công nghiệp, tỉnh Bình Phước hiện có 3 khu công nghiệp lấp đầy
nên đã xin chủ trương mở rộng thêm 1.375ha nhưng thủ tục, quy trình, hồ sơ đã
xong mà chưa được phê duyệt.
Các khu công nghiệp ở Bình Dương với tỷ lệ lấp đầy hơn 92%.
Giá thuê đất
cao và chưa có quy định về nhà xưởng
Giá cho
thuê đất trung bình ở các khu, cụm công nghiệp tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận
hiện đang ở mức cao khiến DN khó đầu tư, nhất là trong điều kiện kinh tế khó
khăn như hiện nay. Hiện ước giá thuê đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở
TP.HCM trung bình dao động từ 240- 340 USD/m2/chu kỳ thuê. Mức giá này ở Đồng
Nai khoảng 100- 200 USD/m2/chu kỳ thuê, ở Bình Dương khoảng 100- 250 USD/m2/chu
kỳ thuê.
Ông Trần
Việt Hà, Phó Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho biết,
do tình hình quỹ đất ngày càng hạn hẹp nên giá đất cho thuê ở TP.HCM tăng cao.
“Để có quỹ đất với giá tốt để có thể kéo những nhà đầu tư lớn theo định hướng,
Hepza cũng triển khai nhiều giải pháp phát triển quỹ đất, trong đó có thành lập
các khu công nghiệp mới có tính cạnh tranh, thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho các
khu nghiệp hiện tại để giải phóng quỹ đất đã có trong quy hoạch”, ông Hà cho
hay.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã "cạn"
đất công nghiệp.
Bên cạnh
đó, đa số các DN sản xuất nhỏ và vừa hiện nay nằm xen cài trong các khu dân cư
rất khó để sửa chữa, nâng cấp, xây mới vì chưa có luật quy định. Ông Nguyễn Ngô
Long, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Cơ khí - Thương mại Nhật Long cho rằng, ở
TP.HCM có đến hơn 400.000 DN hoạt động, song khu, cụm công nghiệp chỉ đáp ứng
cho khoảng 50.000 DN. Mặc dù có rất nhiều DN đang hoạt động xen cài trong khu
dân cư thành phố, nhưng vẫn không có hướng dẫn, không có luật nào hỗ trợ về xây
dựng.
Công nghiệp
đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ.
Với TP.HCM, công nghiệp chiếm từ 18-20% cơ cấu kinh tế của thành phố, chiếm 10%
công nghiệp của cả nước. Các tỉnh khác trong vùng cũng vậy, công nghiệp chiếm tỷ
trong lớn trong cơ cấu kinh tế nên cần xác định, phát triển công nghiệp là hàng
đầu trong phát triển kinh tế. Từ đó, tùy điều kiện cụ thể mà mỗi tỉnh, thành
đang có những giải pháp cho tình trạng “khát” đất công nghiệp này./.
VOV