Hàn Quốc hiện đang thực hiện tuần làm việc 52 giờ, cho phép người lao động làm việc thường xuyên trong 40 giờ cộng với 12 giờ làm thêm. Các công ty phải đối mặt với hình phạt nếu thời gian làm thêm vượt quá số giờ tối đa. Quy định này được đưa ra từ năm 2018.

Tuy nhiên đề xuất mới của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol muốn nâng thời gian làm việc tối đa hàng tuần lên 69 giờ. Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc lưu ý người lao động sẽ được nghỉ phép dài hơn để đổi lấy việc làm thêm giờ.

Bộ Lao động nước này cũng đề xuất thời gian nghỉ ngơi tối thiểu 11 giờ giữa các ca làm việc.

Lập luận tăng giờ làm trong tuần của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol là người lao động vẫn có thể có nhiều thời gian rảnh hơn vì sẽ có quy định cụ thể về số giờ làm việc mỗi tháng, mỗi quý hoặc mỗi năm.

Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ hạn chế làm việc hơn 60 giờ mỗi tuần trong 3 tuần liên tiếp. Người lao động sẽ được chọn khi nào làm việc và làm trong bao lâu.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã nhận về rất nhiều phản đối từ người dân.

Ngày 19/3, Viện Sức khỏe và Xã hội Hàn Quốc (KIHASA) công bố kết quả khảo sát về cân bằng giữa công việc và cuộc sống, sau khi phỏng vấn 22.000 người ở độ tuổi 19-59 trong khoảng thời gian 20/9 đến 7/10/2022. Kết quả cho thấy những người được hỏi muốn làm việc trung bình 36,7 giờ/tuần. Cụ thể, nhân viên chính thức muốn làm việc 37,63 giờ/tuần, nhân viên tạm thời và làm theo ngày muốn 32,36 giờ/tuần, theo Korea Times.

Người càng trẻ tuổi càng muốn dành ít thời gian cho công việc. Những người trong độ tuổi 19-29 muốn làm việc 34,92 giờ/tuần; những người độ tuổi 30 là 36,32 giờ. Mặt khác, người ở độ tuổi 40 và 50 lần lượt muốn làm việc 37,11 và 37,91 giờ/tuần.

Những người chỉ trích nói đề xuất này không tính thời gian đi làm, email sau giờ làm việc và các tin nhắn liên quan công việc.

Bên cạnh đó, người lao động phản đối mạnh mẽ đề xuất này vì lo ngại nó sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người sử dụng lao động khuyến khích họ làm nhiều thêm trong những giai đoạn cao điểm.

"Họ nói rằng tổng số giờ chúng tôi làm việc hằng năm sẽ giữ nguyên hoặc giảm xuống", một công nhân 34 tuổi tại Samsung cho biết. "Nhưng luôn có nhiều việc để làm. Chúng ta có thể thấy nhiều vụ tử vong liên quan đến làm việc quá sức nếu một tuần làm tới 69 giờ".

Một số người khác thì cho rằng việc quyết định tăng giờ làm là vô nghĩa vì trên thực tế họ đang phải làm như thế rồi. "Làm việc đến 9 hoặc 10h tối là bình thường với tôi", một nhân viên tại LG cho biết.

"Thực tế tôi làm việc nhiều hơn quy định 52 giờ. Vì vậy, khi tôi thấy báo chí đưa tin đề xuất làm việc 69 giờ/tuần, tôi không hiểu nổi. Dù sao thì tôi cũng đang làm việc nhiều như vậy", người này nói thêm.


Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người lao động ở cường quốc kinh tế Đông Á này đang phải trải qua số giờ làm việc trong tuần được xem là dài nhất trên thế giới– xếp thứ 4 sau Mexico, Costa Rica và Chile vào năm 2021. Và tình trạng tử vong do làm việc quá sức – được biết đến là gwarosa – có thể đã ghi nhận số lượng gia tăng hàng năm.

Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc, vào năm 2017, một năm trước khi chính phủ giảm giới hạn giờ làm việc, hàng trăm người lao động nước này đã tử vong vì làm việc quá sức. Ngay cả khi giới hạn số giờ làm việc trong tuần đã giảm xuống còn 52 giờ, các trường hợp "gwarosa" vẫn xảy ra. Cụ thể, vào năm 2020, các liên đoàn lao động ghi nhận lên tới 14 nhân viên giao hàng đã chết vì làm việc quá sức. Chính bản thân họ đã hy sinh sức khỏe để giúp đất nước tiếp tục phát triển trong thời kỳ bùng phát dịch Covid-19.

Chính phủ Hàn Quốc đã ủng hộ kế hoạch tăng giới hạn số giờ làm việc trong tuần sau áp lực của các nhóm kinh doanh đang tìm cách tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, chính kế hoạch này lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của thế hệ trẻ và các liên đoàn lao động Hàn Quốc.

Thư ký cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuần trước cho biết, Chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét và tìm hướng đi mới sau khi lắng nghe ý kiến của công chúng đồng thời cam kết bảo vệ quyền và lợi ích của thế hệ trẻ ngày nay cũng như những người không thuộc liên đoàn lao động.