Ngày 13/3, tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã có buổi họp báo đầu tiên trên cương vị mới. Một trong những câu hỏi ông Lý Cường nhận được là liệu tình hình dân số giảm và tỷ lệ sinh nở thấp như hiện nay có tác động thế nào tới nền kinh tế?

Vấn đề trên rất được báo chí quan tâm vì hồi tháng 1 thống kê cho thấy năm 2022 dân số Trung Quốc đã giảm 850 nghìn người - lần giảm đầu tiên kể từ năm 1961. Đây là một bước ngoặt lịch sử trong nhân khẩu học. Với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào lực lượng lao động dồi dào, việc dân số giảm hay già đi đang là một thử thách lớn đối với nền kinh tế quy mô thứ hai thế giới này.

Chị Shuyun và chồng sinh sống tại ngoại ô Thượng Hải. Cả 2 vợ chồng đều không có ý định sinh thêm con thứ hai, sau khi đã có một bé trai 3 tuổi.

"Tôi có công việc, có mục tiêu phấn đấu về kinh tế, nên tôi không cảm thấy cần phải sinh thêm con thứ 2", chị Shuyun chia sẻ.

Suy nghĩ này của chị Shuyun cũng rất giống với nhiều gia đình trẻ ở Trung Quốc. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích các cặp đôi sinh con và xoá bỏ chính sách 1 con từ năm 2015, nhưng nhiều cặp đôi vẫn không muốn sinh thêm, hoặc thậm chí là không sinh con nào.

Nguyên nhân số 1 chính là chi phí sống quá đắt đỏ, đặc biệt là sau thời kỳ đại dịch COVID-19, nhiều người trẻ đã bị giảm thu nhập, hoặc mất việc. Trong khi chi phí để duy trì một gia đình có con nhỏ không hề rẻ.

"Mua nhà ở thành phố thì mất 30 năm mới trả hết tiền, chưa kể tiền cho con đi học cấp 2, học đại học nữa. Tất cả các loại chi phí chồng chất này khiến lần đầu tiên trong hàng chục năm, tỷ lệ sinh giảm phản ánh việc người trẻ chần chừ không muốn sinh con", Giáo sư Kent Deng - Trường Kinh tế London nói.

Tại khu vực châu Á, chi phí nuôi nấng một đứa trẻ của Trung Quốc đắt đỏ chỉ đứng sau Hàn Quốc. Xu thế ngại sinh con sẽ dẫn tới hệ luỵ kinh tế xã hội không nhỏ. Dân số già đi, trong khi người lao động trẻ tuổi ngày một ít, buộc người lớn tuổi phải lao động. Trong khi đó số người trẻ đóng thuế cũng giảm, gây áp lực lên các quỹ hưu trí và hệ thống an sinh xã hội.

Dân số giảm tác động lên kinh tế toàn cầu

Ngoài áp lực lên nền kinh tế trong nước, lực lượng lao động của Trung Quốc giảm đi cũng sẽ khiến nhiều ngành nghề giao thương với các quốc gia khác bị ảnh hưởng. Vì hiện tại Trung Quốc đóng góp tới gần 800 triệu lao động cho lực lượng lao động toàn cầu.

Trung Quốc là "công xưởng của thế giới", vì vậy nguồn lao động dồi dào, với chi phí nhân công rẻ rất quan trọng không chỉ với Trung Quốc mà còn cả với chuỗi cung ứng toàn cầu. Nên khi lực lượng này giảm đi, sẽ kéo theo không ít vấn đề tác động tới nhiều mặt hàng.


Lực lượng lao động của Trung Quốc giảm đi cũng sẽ khiến nhiều ngành nghề giao thương với các quốc gia khác bị ảnh hưởng

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế sản xuất, với lao động sức người đóng vai trò quan trọng. Từ linh kiện điện tử, những chiếc iPhone, hay cấu phần ô tô, hay tấm pin năng lượng mặt trời nếu được sản xuất tại Trung Quốc sẽ góp phần giảm chi phí và giá thành.

Giáo sư Kent Deng nhận định: "Nguồn nhân công dồi dào đến từ các vùng nông thôn Trung Quốc chính là động cơ phát triển ngành sản xuất và lắp ráp của nước này. Nếu "tắt" động cơ đó đi, chắc chắn sẽ dẫn đến sự suy giảm ở lĩnh vực sản xuất dựa trên sức người. Nhiều mặt hàng chắc chắn sẽ không còn rẻ như hiện nay nữa".

Một sự kiện rất quan trọng được dự báo cho năm nay đó là Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc và trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhiều ý kiến đã nói về việc Ấn Độ cũng sẽ thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng các chuyên gia cho rằng mọi việc không đơn giản như vậy.

"Có nhiều lao động không đồng nghĩa với việc đã sẵn sàng về hạ tầng cơ sở, về logistics và rất nhiều điều kiện cần thiết khác để thành lập nhà máy", bà Mei Fong - Tác giả cuốn sách "One child" đánh giá.

Nhiều chuyên gia cho rằng Bắc Kinh chỉ khuyến khích các cặp đôi sinh thêm con thôi là chưa đủ vì chờ tới lúc các em bé lớn lên thành công dân đi làm, đóng thuế là khoảng thời gian rất dài. Điều quan trọng là cần phải nâng cấp hệ thống an sinh xã hội và nâng cấp chất lượng, trình độ của người lao động, để làm sao ít người hơn mà vẫn làm được nhiều việc, thậm chí là năng suất hơn trước kia.

VTV