Đồng Tháp có 3 khu công nghiệp, gồm Khu công nghiệp Sa Đéc (TP Sa Đéc), Khu công nghiệp Sông Hậu (huyện Lai Vung) và Khu công nghiệp Trần Quốc Toản (TP Cao Lãnh). Đến nay đã thu hút 35 doanh nghiệp với trên 13.000 lao động làm việc. Trong đó, Công đoàn các khu công nghiệp, khu kinh tế Đồng Tháp trực tiếp quản lý 28 Công đoàn cơ sở với gần 12.000 đoàn viên.

Hiện tại các khu công nghiệp lại chưa có thiết chế văn hóa đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí của người lao động sau giờ tan ca. Một số doanh nghiệp tận dụng nhà xưởng, kho chứa hàng, nhà ăn... để làm sân cầu lông, bóng bàn, phòng đọc sách… cho người lao động. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có quy mô hạn chế nên số người lao động thụ hưởng chưa được nhiều. Sự thiếu hụt thiết chế văn hóa, thể thao không chỉ ảnh hưởng đến sân chơi lành mạnh của người lao động mà còn “gò bó” tổ chức Công đoàn và cả doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động cho đoàn viên, người lao động.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, mỗi khi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao quy mô cho đoàn viên, Công đoàn các khu công nghiệp, khu kinh tế Đồng Tháp và doanh nghiệp đều phải đi thuê, mượn địa điểm bên ngoài. Thậm chí, nhiều chương trình phải tổ chức ngoài trời, trên đường giao thông nội bộ. Điều này không chỉ gây tốn kinh phí mà còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, mất an toàn giao thông và an ninh trật tự.


Vì khó khăn về địa điểm tổ chức nên hầu hết các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chỉ tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa quan tâm tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao ở các khu nhà trọ công nhân bên ngoài khu công nghiệp cũng không có khu vui chơi, giải trí... Do đó, người lao động chưa có điều kiện cải thiện đời sống tinh thần, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tương xứng với sự phát triển của các khu công nghiệp. Mọi sinh hoạt tinh thần trong các khu nhà trọ đều mang tính tự phát, phần lớn phụ thuộc vào các hình thức giải trí được cung cấp sẵn, rẻ tiền hoặc miễn phí, mà chủ yếu là sử dụng Internet… Vì thế sau giờ tan ca, người lao động trở về phòng trọ ngủ nghỉ và “làm bạn với điện thoại”.

Để phong trào xây dựng đời sống văn hóa công nhân trở thành hoạt động thường xuyên, hiệu quả, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người lao động trên địa bàn các khu công nghiệp, tôi mong muốn Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 sẽ bàn thảo và đưa ra lộ trình sớm đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa quy mô dành riêng cho người lao động ở các khu công nghiệp, để đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí của người lao động sau giờ tan ca. Điều này không không chỉ đáp ứng thiết thực nhiệm vụ chăm lo toàn diện cho đoàn viên, người lao động mà còn mở rộng tương tác và kết nối với xã hội giảm bớt những khoảng thời gian nhạt nhẽo trong đời sống tinh thần của đoàn viên, người lao động.

BLĐ