Các chương trình hành động cắt giảm khí thải nhà kính ở các nước Đông Nam Á đang mở ra cơ hội lớn cho thị trường thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) của khu vực.
Tuy nhiên,
để mở khóa cơ hội này, Đông Nam Á cần vượt qua các thách thức gồm chi phí đầu
tư cao, cơ chế định giá carbon còn yếu và thiếu công nghệ CCS đột phá, theo nhận
định của hãng tư vấn quản lý toàn cầu Mckinsey & Co.
Quy mô thị
trường CCS còn nhỏ
Báo cáo gần
đây của Mckinsey dự báo, CCS sẽ đóng vai trò ngày càng quan trong trong quá
trình chuyển tiếp sang năng lượng sạch của thế giới, đặc biệt là đối với những
ngành khó khử carbon. Các lĩnh vực như điện, sắt thép, xi măng và hóa dầu dự kiến
sẽ là động lực chính để thúc đẩy cầu CCS trong tương lai.
Đến năm
2050, các dự án CCS trên toàn cầu cần xử lý 15-20% lượng phát thải khí nhà kính
cầu hiện nay để thế giới đạt mục tiêu đưa phát thải ròng carbon về 0
(Net-Zero). Tỷ lệ này tương đương khoảng 4-6 tỉ tấn khí carbon mỗi năm.
Quy mô thị
trường CCS toàn cầu hiện nay vẫn còn tương đối nhỏ, với công suất thu trữ khoảng
50 triệu tấn khí carbon hàng năm.
Trong những
năm gần đây, nhiều dự án CCS lớn được công bố ở châu Âu và Bắc Mỹ, có thể tạo
ra sự thay đổi lớn. Nếu những dự án này thành hiện thực thì công suất CCS toàn
cầu có thể tăng hơn 10 lần vào năm 2030. Tuy nhiên, vẫn chưa đạt tới mục tiêu
thu trữ khoảng 1 tỉ tấn khí carbon hàng năm vào năm 2030 để đáp ứng lộ trình hướng
đến Net-Zero vào năm 2050 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Tại Đông
Nam Á, hơn một tỉ tấn khí carbon thải ra các nguồn điểm (point source
emissions) hàng năm. Phát thải từ nguồn điểm là thuật ngữ dùng để chỉ các khí
thải hoặc chất ô nhiễm phát ra từ một nguồn cố định, cụ thể và có thể xác định
được, chẳng hạn như một nhà máy, nhà máy điện, hoặc cơ sở công nghiệp.
Đây là
khái niệm quan trọng trong quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm, vì các nguồn
điểm thường dễ đo lường, giám sát và điều chỉnh hơn so với các nguồn phát thải
phân tán (non-point source emissions).
Theo
Mckinsey, việc thu trữ 10-20% lượng khí thải này có thể tạo ra cơ hội doanh thu
từ 5-10 tỉ đô la mỗi năm cho Đông Nam Á trong giai đoạn 2030-2040.
Mức doanh
thu trên dựa giả định rằng, giá tín chỉ carbon của các nước Đông Nam Á khớp với
mức giá mục tiêu 60 đô la/tấn vào năm 2030 do Singapore đặt ra.
Với cơ hội
đáng kể này, sự quan tâm đối với các dự án CCS đang ngày càng tăng ở Đông Nam
Á. Các nước có tiềm năng lớn về “bể chứa” carbon tự nhiên (rừng, biển và đất
đai) như Malaysia, Indonesia và Thái Lan đang có tham vọng trở thành trung tâm
CCS trong khu vực.
Trong
tháng 3, Quốc hội Malaysia thông qua đạo luật CCUS nhằm xây dựng khung pháp lý
toàn diện đối với hoạt động thu hồi, vận chuyển, sử dụng và lưu trữ khí carbon
vĩnh viễn ở Malaysia. Đạo luật bao gồm các quy định về nhập khẩu và lưu trữ khí
carbon ở các vùng biển xa bờ, dự kiến có hiệu lực vào ngày 31-3.
Bộ trưởng
Kinh tế Malaysia Rafizi Ramli nhấn mạnh, đạo luật này có khả năng mang lại 250
tỉ đô la Mỹ cho nền kinh tế Malaysia trong vòng 30 năm. Đạo luật CCUS sẽ giúp đất
nước giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời củng cố vị thế là “người
tiên phong trong khu vực về công nghệ carbon thấp”.
Công ty chứng
khoán TA Securities dự báo, từ nay đến năm 2030, công nghệ CCS ở Malaysia có thể
thu hút vốn đầu tư hơn 10 tỉ đô la, giúp đáp ứng mục tiêu của chính phủ là thu
trữ 40-80 triệu tấn khí carbon mỗi năm.
Dự án CCS
đầu tiên Malaysia đang được xây dựng ở ngoài khơi bờ biển của bang Sarawak, có
thể là dự án CCS ngoài khơi lớn nhất thế giới. Dự án nằm tại mỏ khí Kasawari của
tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia Petronas, có thể thu hồi 3,3 triệu tấn
carbon mỗi năm, giúp giảm khoảng 14,6% lượng phát thải hàng năm của mỏ này. Lượng
khí carbon thu hồi sẽ được vận chuyển thông qua một đường ống dài 138 km để bơm
xuống một mỏ khí khác đã cạn kiệt.
Mckinsey đánh giá, thị trường CCS của Đông Nam Á có thể tạo ra doanh thu
từ 5-10 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Ảnh minh họa: ChatGPT
Hành động
khí hậu thúc đẩy nhu cầu CCS
Các kế hoạch
hành động về khí hậu trên khắp Đông Nam Á đều hướng tới mục tiêu giảm lượng khí
thải carbon tuyệt đối hoặc cường độ phát thải carbon từ 30-40% vào năm 2030.
Ví dụ,
Thái Lan đã đặt mục tiêu giảm phát thải carbon 30-40 % vào năm 2030. Malaysia
có kế hoạch giảm cường độ carbon trên toàn nền kinh tế xuống 45 % vào năm 2030
so với mức năm 2005. Singapore đặt mục tiêu giảm lượng khí thải nhà kính ròng
xuống còn 60 triệu tấn carbon tương đương vào khoảng năm 2030. Trong khi đó,
Indonesia muốn giảm phát thải vô điều kiện (không đòi hỏi sự hỗ trợ tài chính
và công nghệ từ bên ngoài) hơn 30% năm 2030.
Những mục
tiêu này hứa hẹn thu hút sự chú ý đến các đòn bẩy khử carbon như CCS.
Việt Nam
đã cam kết đạt mục tiêu Net-Zero vào năm 2050 và công nhận CCS là công nghệ
quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam đang nghiên cứu sử dụng các
mỏ dầu khí cạn kiệt để lưu trữ carbon, với một số mỏ đang được đánh giá về khả
năng lưu trữ thương mại.
Tập đoàn Dầu
khí Việt Nam (Petrovietnam) hiện đang triển khai nhiều dự án CCS như là một phần
trong chiến lược chuyển đổi năng lượng.
Phân tích
của McKinsey cho thấy, trong số hơn một tỉ tấn khí thải từ các nguồn điểm mỗi
năm ở Đông Nam Á, khoảng 10-20% nằm ở vị trí địa lý gần các bể chứa carbon tự
nhiên. Với những điều kiện này, Đông Nam Á đang ở vị thế thuận lợi để phát triển
các loại trung tâm CCS khác nhau.
Ví dụ, một
số địa điểm ở Indonesia có tiềm năng trở thành trung tâm CCS phục vụ các cơ sở
phát thải lớn hoặc trung tâm CCS phục vụ nhiều ngành công nghiệp cùng lúc.
Các các cụm
công nghiệp lớn ở Indonesia như cụm công nghiệp ở thành phố Cilegon, nơi phát
thải hơn 50 triệu tấn khí thải nguồn điểm, và một cụm công nghiệp khác ở
Baturaja, nơi phát thải hơn 20 triệu tấn khí thải nguồn điểm, có thể tận dụng
các bể chứa carbon tự nhiên gần đó, có tiềm năng lưu trữ từ 1-2 tỉ tấn khí
carbon.
Gần đây, Bộ
Năng lượng và tài nguyên khoáng sản Indonesia đã ban hành các quy định quản lý
công nghệ CCS nhằm mục đích mở ra các cơ hội mới cho nhiều ngành công nghiệp
khác nhau đồng thời giải quyết các thách thức hiện tại, chẳng hạn như phát triển
cơ sở hạ tầng liên quan.
Đối mặt
hàng loạt thách thức
Báo cáo của
McKinsey ghi nhận, bất chấp cơ hội lớn, có một số yếu tố đang làm chậm quá
trình áp dụng CCS ở Đông Nam Á.
Đầu tiên,
chi phí ước tính để phát triển các dự CCS ở Đông Nam Á theo mức giá carbon hiện
tại là quá cao. Các yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến chi phí là độ tinh khiết của
khí thải carbon thu hồi, khoảng cách từ nguồn phát thải đến bể chứa và điều kiện
địa chất của địa điểm lưu trữ.
Phân tích của McKinsey dự đoán, chi phí CCS ở Đông Nam Á vào khoảng 60-120 đô la/tấn carbon được lưu trữ, có khả năng tăng lên tới 150 đô la cho mỗi tấn nếu không được quản lý tối ưu. Đó là mức chi phí mà các bên liên quan sẽ không kham nổi, đặc biệt là các công ty trong ngành thép, xi măng và hóa dầu.
Thứ hai,
không giống như các thị trường CCS ở châu Âu và Mỹ, Đông Nam Á vẫn đang phát
triển cơ chế định giá carbon, thiếu sự rõ ràng về chính sách hỗ trợ và quản lý
cũng như thiếu khả năng tiếp cận nguồn tài chính xanh với chi phí thấp.
Cuối cùng,
Đông Nam Á vẫn thiếu các giải pháp đột phá về công nghệ CCS trong thời gian tới.
McKinsey cho biết, chi phí CCS phần lớn phụ thuộc vào chi phí thu hồi carbon,
chiếm khoảng 70 % tổng chi phí CCS.
Tuy nhiên,
sự phát triển của công nghệ sử dụng các dung dịch chứa hợp chất amin để hấp thụ
carbon từ khí thải của các nhà máy điện, nhà máy thép, hoặc các cơ sở công nghiệp
khác đã tiến đến trạng thái bão hòa. Đây là công nghệ phổ biến nhất trong các dự
án CCS thương mại, có thể thu hồi 90-95% lượng carbon trong khí thải.
Trong khi
đó, các công nghệ CCS khác, chẳng hạn như công nghệ làm lạnh sâu (cryogenic
technology) có chi phí tốn kém hơn. Công nghệ này tận dụng các nguyên lý vật lý
của nhiệt độ thấp để chuyển khí carbon thành dạng lỏng hoặc rắn, từ đó dễ dàng
tách ra khỏi khí hỗn hợp.
McKinsey dự
báo, các cải tiến trong tương lai chỉ giúp chi phí của công nghệ làm lạnh sâu
giảm khoảng 20-30% vào năm 2030.
Theo SGT