Mitsubishi Heavy Industries của Nhật
Bản đang chuẩn bị tung ra thị trường một dòng thiết bị thu giữ carbon nhỏ gọn
vào năm tới khi nhu cầu về công nghệ này ngày một lan rộng trong các ngành công
nghiệp và nhu cầu tăng cao tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Công nghệ “CCUS” giúp phân tách,
thu giữ và lưu trữ carbon dioxide (CO2) được sử dụng tương đối phổ biến ở các
nhà máy nhiệt điện và các nhà máy sản xuất quy mô lớn. Carbon thu được sau đó
được lưu trữ hoặc được sử dụng để tạo ra các sản phẩm khác.
Quy mô và chi phí để lắp đặt các hệ
thống xử lý như vậy thường khá lớn và cần một diện tích tương đối rộng, khiến
cho khả năng chi trả của các doanh nghiệp không đủ để có thể lắp đặt một hệ thống
tốn kém như vậy. Trong khi việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính đang đặt ra
thách thức đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất.
Mitsubishi kỳ vọng việc phát triển
một hệ thống nhỏ gọn hơn đối với công nghệ CCUS sẽ khiến chúng trở nên phổ biến
và được sử dụng một cách rộng rãi.
Mitsubishi dự kiens sẽ phát hành
dòng thiết bị nhỏ gọn đầu tiên này với diện tích chỉ chiếm khoảng 10 m2 vào đầu
năm sau.
Một tổ máy thương mại được lắp đặt thử nghiệm hồi tháng 6 vừa qua đã được thực hiện chỉ trong vòng 2 ngày tại một nhà máy điện sinh khối tại Hiroshima. Về kiểu dáng và màu sắc, thiết bị này được sơn màu trắng và được trang trí bằng hình minh họa Trái đất màu xanh lam. Quan sát quá trình xử lý khí thải tạo ra từ quá trình đốt gỗ vụn tại nhà máy cho thấy thiết bị có thể thu hồi khoảng 300 kg CO2 mỗi ngày , tương đương khoảng 0,3% tổng lượng khí thải của nhà máy. Sau đó, CO2 được gửi đến hai nhà kính trong khuôn viên để thúc đẩy sự phát triển của các cây cà chua và dâu tây.
Loại thiết bị nhỏ gọn này có thể
dùng để lắp đặt và sử dụng cho các tàu, nhà máy đốt rác và nhà máy điện sử dụng
nguyên liệu khí đốt.
Theo Mitsubishi Heavy cho biết mối
quan tâm đến việc thu giữ carbon ngày càng tăng không chỉ đối với các khách
hàng thông thường. Đặc biệt là những khách hàng là các doanh nghiệp hoạt động
trong các lĩnh vực sản xuất khó có khả năng giảm lượng khí thải do các rào cản
về công nghệ hoặc chi phí. Áp lực sản xuất xanh đối với những khách hàng này là
mối bận tâm lớn đối với họ.
Công ty đã cung cấp hệ thống thu
giữ carbon lớn hơn cho 13 dự án trên khắp thế giới, dự án lớn nhất hút khoảng
4.700 tấn mỗi ngày. Mitsubishi cho biết các sản phẩm của Hãng chiếm 70% tổng lượng
carbon được thu giữ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những hệ thống như vậy được
sản xuất theo đơn đặt hàng, tốn kém và cần từ ba đến bốn năm để lắp đặt.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của
Mitsubishi Heavy cho hay việc ra mắt thiết bị nhỏ gọn của hãng sẽ “rút ngắn
đáng kể” thời gian giao hàng và “đạt được khả năng cạnh tranh về chi phí” so với
các sản phẩm khác.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, việc
sử dụng công nghệ thu giữ carbon đang ngày càng phát triển bất chấp những câu hỏi
về tính phù hợp của nó như một phương tiện lâu dài để chống lại biến đổi khí hậu.
Tổng số 195 cơ sở CCUS thương mại đã hoạt động hoặc đang phát triển trên toàn
thế giới vào năm 2021, tăng gấp đôi so với năm trước và tăng gấp bốn lần kể từ
năm 2017.
Nhưng trong khi công suất thu giữ
CO2 hàng năm vượt 40 triệu tấn vào năm 2021, con số đó sẽ phải tăng gấp bốn lần
vào năm 2030 để phù hợp với lộ trình đạt đến mức phát thải ròng vào năm 2050 mà
cơ quan này đưa ra.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban liên
chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc cho biết việc triển khai
công nghệ thu giữ carbon để giải quyết lượng khí thải khó giảm thiểu là “không
thể tránh khỏi” nếu muốn đạt được mức phát thải CO2 ròng bằng không.
Theo
Nikkei