Nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt 1.000 tỷ USD năm 2030;
tuy nhiên các chuyên gia nhận định vẫn còn nhiều thách thức với kinh tế số khu
vực, ví dụ như sự khác biệt về khung pháp lý và khoảng cách về kỹ thuật số giữa
các quốc gia.
CNBC trích dẫn ông Kenddrick Chan, một thành viên tại Viện nghiên cứu
Portulans Institute cho biết, mặc dù ASEAN có tỷ lệ sử dụng Internet cao trên
70% và hầu hết dân số đều sở hữu điện thoại thông minh. Tuy nhiên điều đó không
đồng nghĩa là tất cả mọi người đều hiểu biết về kỹ thuật số.
"Đối với người dân ở khu vực
Đông Nam Á, Internet là điện thoại di động. Vấn đề được đặt ra ở đây là người
dân đang chịu chi phối bởi mạng xã hội, khi việc sử dụng Internet chỉ là thông
qua Facebook, Instagram và TikTok. Do đó, để người dân tham gia vào toàn bộ nền
kinh tế số đòi hỏi phải có nhiều hiểu biết về kỹ thuật số nhiều hơn", ông Kenddrick Chan nói với CNBC.
Theo CNBC, nền kinh tế số của Đông Nam Á có nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhờ
các nhân tố gồm 460 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số, dân số trẻ và am hiểu
công nghệ, cũng như tỷ lệ sử dụng Internet ngày càng tăng.
CNBC dẫn báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek và Bain&Comapny,
nền kinh tế kỹ thuật số ở 6 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia,
Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam được dự đoán tăng trưởng 6% mỗi
năm.
Đặc biệt nền kinh tế số tại Đông Nam Á có thể đạt mốc 1.000 tỷ USD vào năm
2030, dẫn đầu bởi Singapore, theo sau là Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei
và Thái Lan. Các nước như Campuchia, Lào và Myanmar đứng ở vị trí cuối cùng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với những thách thức có thể kìm hãm tăng trưởng nền kinh tế số như sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn cho đến trình độ hiểu biết về kỹ thuật số thấp.
Khung pháp lý khác nhau
Theo báo cáo Chỉ số tích hợp kỹ thuật số ASEAN, Singapore và Malaysia đều đạt
kết quả tốt trên một số chỉ số tích hợp kỹ thuật số.
Brunei, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam chỉ đang thiếu một hoặc
nhiều chỉ số. Cụ thể, các chỉ số đó là bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng, thanh
toán kỹ thuật số, kỹ năng số, đổi mới tinh thần kinh doanh và sự sẵn sàng của
cơ sở hạ tầng.
Trong khi Campuchia, Lào và Myanmar có điểm dưới trung bình trên tất cả các
chỉ số và còn rất nhiều việc cần làm để bắt kịp các nỗ lực hội nhập kỹ thuật số
của khu vực Đông Nam Á.
Ông Kenddrick Chan cho biết: "Để
tham gia vào nền kinh tế số, điều quan trọng là phải có các khung pháp lý cơ bản.
Nguyên nhân dẫn đến sự phát triển không đồng đều này là do sự phân bổ lợi ích nền
kinh tế số bị chênh lệch. Mỗi quốc gia đang ở các giai đoạn phát triển khung
pháp lý khác nhau".
Một minh chứng rõ nét, Singapore có các luật bảo đảm quyền riêng tư người
dùng, chuyển thông tin tài chính an toàn xuyên biên giới, trong khi Campuchia vẫn
chưa có luật này.
Ông James Tan, đối tác quản lý của công ty đầu tư mạo hiểm Quest Ventures
nói: "Quy định thường đi sau các đổi
mới công nghệ. Do đó, cần ban hành luật mới, hiệu quả đối với các lĩnh vực như
bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư khi nền kinh tế ngày càng phát triển”.
Thời gian qua, ASEAN đã đưa ra các chính sách và khuôn khổ quan trọng như kế
hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 và kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN
2025 để phác thảo các hành động hướng dẫn hợp tác kỹ thuật số của chính phủ các
nước.
Thế nhưng, những mục tiêu này sẽ yêu cầu quá trình nghiên cứu chi tiết, hoạch định chính sách có tầm nhìn dài hạn hơn và sự ủng hộ đáng kể từ các bên liên quan trong khu vực, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Khoảng cách số hóa giữa thành thị
và nông thôn
Bên cạnh yếu tố về khung pháp lý, một rào cản khác đối với sự phát triển của
nền kinh tế số là khoảng cách phát triển kỹ thuật số giữa khu vực thành thị và
nông thôn tại mỗi quốc gia.
Nhà phân tích Anthony Toh tại trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam cho
CNBC biết: "Nền kinh tế số của Đông
Nam Á đang mở rộng, nhưng vẫn còn khoảng cách kỹ thuật số. Singapore là quốc
gia có tốc độ số hóa nhanh nhất. Malaysia, Indonesia, Brunei, Thái Lan và Việt
Nam đứng ở các vị trí tiếp theo, trong khi Myanmar, Lào và Campuchia thiếu triển
vọng số hóa".
Ông Anthony Toh đánh giá, thực trạng khoảng cách về kỹ thuật số ở các nước
Đông Nam Á là thách thức lớn nhất trong tiến trình thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật
số của khu vực này.
"Khoảng cách kỹ thuật số là
một trong những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu trong tiến trình số hoá của
Đông Nam Á. Tuy vậy, tôi thấy vấn đề này hiện không được chú trọng tới và khoảng
cách thì ngày một xa hơn", ông Anthony Toh nói thêm.
Đơn cử như tốc độ thâm nhập Internet của Indonesia tăng trưởng nhanh mỗi
năm, nhưng quốc gia này vẫn chứng kiến khoảng cách về tốc độ số hoá giữa thành
thị và nông thôn khá cao.
MKA