Hội nghị "Thị trường Halal ở khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương: Tiềm năng và cơ hội” do Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 20/12 tại Hà Nội nhằm phân tích những cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong ngành Halal tại khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương.

Chiếm được 1% thị phần Halal cũng đã có giá trị lớn

Hiện nay, ngành thực phẩm và nông sản Halal là cơ hội xuất khẩu lớn và có tính lâu bền đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu rất tiềm năng, do số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal là khoảng 860 triệu người, chiếm 66% tổng số người Hồi giáo trên toàn thế giới.

Đạt chứng nhận Halal đồng nghĩa đáp ứng những tiêu chí khắt khe về an toàn, vệ sinh, chất lượng. Tiêu chuẩn Halal không chỉ liên quan đến sản phẩm cuối cùng mà xét đến cả quy trình từ nguyên liệu thô đến quá trình chăn nuôi, chăm sóc, giết mổ, bảo quản, đóng gói, vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng…

Bởi vậy những năm gần đây thực phẩm Halal được đón nhận rộng rãi không chỉ trong phạm vi đạo Hồi mà cả những nhóm dân không theo đạo Hồi, nhất là khi người tiêu dùng nói chung ngày càng quan tâm đến sức khỏe, ưa chuộng xu hướng xanh, sạch, hữu cơ.

Tại Hội nghị, bà Samina Naz, Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam, đánh giá nếu Việt Nam chiếm được thị phần 1% thị phần thị trường Halal cũng đã mang lại giá trị lớn.

Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác thị trường này.

“Chúng ta vẫn chỉ đang ở giai đoạn "phá đá mở đường", chưa thực sự chiếm được thị phần đáng kể trong "miếng bánh" khổng lồ trên. Mỗi năm, mới chỉ có khoảng 50 công ty Việt Nam được cấp chứng nhận Halal. Hiện, Việt Nam cũng chỉ mới có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal, một con số rất thấp so với tiềm năng. Có tới 40% các địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal", ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhìn nhận.

Theo các số liệu, năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn khá khiêm tốn, mới chỉ đạt 10,5 tỷ USD so với mức 34 tỷ USD - mức được xác định là nhu cầu của Tổ chức các nước Hồi giáo đối với sản phẩm của ta. Trong khi đó, Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới.

Doanh nghiệp Việt nỗ lực gia nhập thị trường Halal lớn nhất thế giới

Bà Hoàng Thanh Thủy - Giám đốc Kinh doanh quốc tế Tập đoàn TH cho biết: Từ năm 2014, TH đã đạt được chứng nhận Halal và đến nay hầu hết sản phẩm sữa, thực phẩm sữa và đồ uống của Tập đoàn TH đều có chứng nhận Halal bên cạnh các chứng nhận chất lượng quan trọng khác như ISO, FSSC, BRC,...


Bà Hoàng Thanh Thủy, Giám đốc Kinh doanh quốc tế Tập đoàn TH chia sẻ tại Hội nghị.

"Chúng tôi đã làm việc với một đơn vị trung gian uy tín để xác lập chứng nhận Halal. Như quý vị đều biết, quy trình chứng nhận một mặt hàng đạt tiêu chuẩn Halal là vô cùng phức tạp và mất nhiều thời gian. Các tiêu chí không chỉ về nguyên liệu sản phẩm mà còn bao gồm toàn bộ quá trình từ gieo trồng, sản xuất đến chế biến, đóng gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển. Từ năm 2014, TH đã đạt được chứng nhận Halal, qua mỗi năm lại đánh giá và thẩm định lại", bà Hoàng Thanh Thủy cho biết.

Bà Thủy nhấn mạnh: Trên thực tế, những yêu cầu chặt chẽ của chứng nhận Halal trùng khớp với những giá trị cốt lõi và tư duy làm sản phẩm của Tập đoàn TH. Với tầm nhìn và khát vọng đưa ly sữa Việt và các sản phẩm từ đồng đất Việt ra thế giới, TH đã đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ đầu cuối thế giới và quy trình khép kín quy mô lớn nhất thế giới “từ đồng cỏ đến ly sữa” và đến tận tay người tiêu dùng.

"Từ đó, chúng tôi có thể tự tin chinh phục trước hết là các bà mẹ và trẻ em Việt, tiếp đó vươn ra các thị trường nước ngoài khắt khe nhất bằng các sản phẩm uy tín, đạt các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất, trong đó có chuẩn Halal", đại diện Tập đoàn TH khẳng định.

Tập đoàn TH tiếp cận thị trường Hồi giáo lớn nhất thế giới

Theo đại diện TH, sản phẩm của TH bước vào thị trường Halal một cách tự nhiên, với quy trình và chất lượng quốc tế đúng như từ trước tới nay vẫn làm cho thị trường Việt Nam.

Theo bà Thủy, năm 2021 này, trong bối cảnh dịch bệnh trong nước và thế giới diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, Tập đoàn TH vẫn nỗ lực kết nối giao thương với các thị trường Halal. Một số hoạt động có thể kể đến như: Tham gia triển lãm quốc tế Halal Malaysia - MIHAS tháng 9-12/2021 bằng cách thiết lập gian hàng trưng bày online. Hay tháng 8/2021, TH là một trong gần 40 doanh nghiệp trong nước được chọn tham gia “Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2021 - Triển lãm hybrid các mặt hàng thực phẩm chế biến và Halal” tại Singapore...


TH tham gia “Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2021 - Triển lãm hybrid các mặt hàng thực phẩm chế biến và Halal” tại Singapore tháng 8/2021.

Tuy nhiên, bà Thủy cũng nhận định thực tế xuất khẩu sữa, thực phẩm sữa và đồ uống vào các thị trường Halal trong khu vực chưa được như kỳ vọng. Xuất khẩu chưa xứng với tiềm năng cũng là tình trạng chung của đa số doanh nghiệp Việt Nam cho dù Việt Nam ta nằm ở gần những thị trường Halal lớn.

Qua hội thảo, đại diện Tập đoàn TH cũng như các doanh nghiệp Việt nói chung đều mong muốn các cơ quan Nhà nước, các ban ngành hữu quan và các thương vụ Việt Nam ở các nước có đạo Hồi có những ưu đãi và hỗ trợ tích cực hơn nữa cho doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại trong ngành xuất nhập khẩu tiềm năng này.

Bách Diệp - BNA