Theo tờ
Fortune, Elon Musk hiện đang “mỏi gối đau lưng” với Twitter sau khi mua lại mạng
xã hội này với giá trị 44 tỷ USD, cảnh báo rằng doanh nghiệp có thể đối mặt
nguy cơ phá sản. Thế rồi Tesla cũng có một
năm kinh doanh không được như kỳ vọng, bản thân Elon Musk cũng mất vị trí người
giàu nhất thế giới.
Tuy nhiên,
nhà sáng lập Tesla này vẫn có một quân át chủ bài khác mà hiếm người nhắc tới,
có thể càn quét toàn bộ nghành hàng không như ông đã từng làm với xe điện, đó
là SpaceX.
Trong năm
ngoái, startup này của Elon Musk vốn nổi tiếng với những tên lửa có thể tái sử
dụng sau khi phóng vào vũ trụ đã thực hiện 61 lần phóng thành công, mức cao kỷ
lục của công ty và chiếm đến 34% tổng số lượt phóng vào vũ trụ trên thế giới của
cả chính phủ lẫn tư nhân.
Năm 2023
này, Elon Musk đặt mục tiêu thực hiện 100 chuyến bay vào không gian, tương
đương cứ 3-4 ngày là có một lần phóng. SpaceX cũng đặt mục tiêu phóng thành
công dòng tên lửa tái sử dụng mới nhất của hãng là Startship trong tháng 2 này.
Trái ngược
với những thông tin tích cực của SpaceX, ngành hàng không thế giới lại đang đối
mặt với cuộc khủng hoảng – di chứng nặng nề sau đại dịch. Số liệu của Space
Capital cho thấy dòng vốn đầu tư tư nhân cho mảng này đạt đỉnh 47,4 tỷ USD vào
năm 2021 nhưng đã giảm 58% trong năm 2022. Việc các nhà đầu tư không có kinh
nghiệm hoặc kỳ vọng đốt tiền cho mảng kinh doanh mới khiến ngày càng nhiều người
nhận ra đây là một ngành chẳng dễ “xơi”.
Những khó
khăn về công nghệ, cần vốn đầu tư lớn cùng tiêu chuẩn cực cao để phóng thành
công, chưa kể đến những thiệt hại nếu thất bại và hàng loạt các quy định, giấy
phép đã đã tạo nên rào cản quá lớn cho ngành hàng không tư nhân mới manh nha.
“Giai đoạn đốt tiền đã chấm dứt và đây là thời điểm xem ai sống ai chết”?
“Năm 2021
là đỉnh của cơn sốt ngành hàng không, và rồi chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hãng
bị xõa sổ khỏi ngành khi cơn sốt đi qua”, chuyên gia Chad Anderson của Space
Capital nhận định.
Cụ thể, những
nhà đầu tư, công ty hướng tới mục tiêu quá dài hạn như thám hiểm mặt trăng hay
xây dựng những trạm không gian tư nhân đều sẽ phá sản. Chỉ những doanh nghiệp
nào hướng tới các mục tiêu cơ bản, đảm bảo lợi nhuận, có nhu cầu lớn với mô
hình kinh doanh bền vững mới trụ nổi.
“Giai đoạn
đốt tiền đã chấm dứt và đây là thời điểm xem ai sống ai chết”, nhà sử học
Jordan Bimm của trường đại học Chicago chuyên theo dõi mảng công nghệ vũ trụ
nói với tờ Fortune.
Điều đáng
ngạc nhiên là dù dòng vốn đầu tư đã giảm trong năm 2022 và dự kiến ở mức thấp
trong năm nay nhưng tổng giá trị của ngành hàng không vũ trụ lại đi lên. Số liệu
của Euroconsult cho thấy ngành này đã tăng trưởng 8% trong năm 2022 và hiện có
tổng giá trị 424 tỷ USD.
Mặc dù nguồn
vốn đầu tư tư nhân suy giảm nhưng chính phủ và nguồn vốn cũng vẫn sẵn sàng đổ
vào đây. Ví dụ tiêu biểu nhất là Astrobotic, hãng phát triển công nghệ thám hiểm
mặt trăng đã được Cục hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tiếp tục rót vốn để phát triển
hệ thống xe lái tự động lên mặt trăng vào năm 2025.
Lợi thế của người đi tiên phong
Tuy nhiên theo Forbes, dù nhiều startup sống sót được khi nguồn vốn tư nhân giảm thì họ cũng sẽ phải đối đầu với SpaceX, ông lớn của ngành. Startup này của Elon Musk hiện không chỉ đang thống trị mảng phóng tên lửa vào vũ trụ mà còn đang hạ được chi phí mỗi lần phòng do gia tăng số lần thực hiện.
Năm 2019,
SpaceX đã phóng hơn 3.600 vệ tinh nhân tại lên không gian để xây dựng mạng lưới
Internet Starlink của mình.
Năm 2021, SpaceX đánh bại đối thủ Blue Origin của nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos, qua đó nhận được hợp đồng trị giá 2,9 tỷ USD của chính phủ, giúp đưa các nhà phi hành vũ trụ lên mặt trăng bằng tên lửa Starship vào năm 2025.
Tờ Fortune
nhận định nhờ khả năng tái sử dụng các động cơ mà SpaceX có thể thống trị mảng
hàng không vũ trụ trong nhiều thập niên tới. Nếu điều này trở thành sự thật thì
tỷ phú Elon Musk sẽ lại có nguồn tiền mới bên cạnh Tesla để giải quyết mớ hỗn độn
Twitter khiến ông phải “mỏi gối đau lưng” suốt nhiều tháng nay.
Đầu năm
2023, Elon Musk khẳng định Starship sẽ có buổi phóng thử quan trọng vào tháng 2
sau nhiều lần trì hoãn. Nếu thành công thì theo chuyên gia tư vấn Namrata
Goswani của ngành hàng không, đây sẽ là bước đột phá quan trọng nhằm duy trì sự
dẫn đầu của SpaceX về khả năng phóng tên lửa vào không gian.
Bên cạnh
việc phóng thử tên lửa, SpaceX cũng đã gây dựng được tiếng vang trong ngành nhờ
phát triển hệ thống Internet vệ tinh Starlink.
Nhờ những
thành công này mà SpaceX được ước tính có tổng giá trị 137 tỷ USD và gọi vốn
thành công 2 tỷ USD trong năm qua, qua đó trở thành đối thủ khó lòng vượt qua
được trong mảng startup này.
Theo
Fortune, sự thống trị của SpaceX khiến các công ty chỉ còn cơ hội với thị trường
ngách. Ví dụ Boeing đã ký hợp đồng với NASA, cung cấp hệ thống Starliner cho
các nhiệm vụ ở tầng khí quyển thấp trên không gian trái đất.
“Việc các
công ty không phát triển được tên lửa không có nghĩa là chúng trở nên kém hấp dẫn.
Nếu các doanh nghiệp tìm được thị trường ngách thì nguồn vốn đầu tư chắc chắn sẽ
tìm đến”, chuyên gia Goswani nhận định.
Theo MKT