Tập đoàn Sony sẽ thành lập một nhà máy bán dẫn tại Thái Lan để cắt giảm chi phí sản xuất và xây dựng một chuỗi cung ứng có khả năng chống chọi với các trường hợp khẩn cấp bằng cách phân bố rộng rãi các cơ sở sản xuất trên toàn cầu của Hãng.

Theo kế hoạch, Sony Semiconductor Solutions sẽ đầu tư khoảng 10 tỷ yên (tương tương 70,7 triệu USD) vào việc xây dựng 1 nhà mới trong khuôn viên của một cơ sở sản xuất ở miền trung Thái Lan.

Dự án đã bắt đầu được triển khai và dự kiến nhà máy mới sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024 và tạo ra khoảng 2000 việc làm mới cho địa phương.

Nhà máy mới sẽ chế tạo loại cảm biến hình ảnh được sử dụng trong các xe tự lái nhằm xác định người đi bộ và các chướn ngại vật.

Quá trình tạo mạch trên các tấm wafer sẽ được hoàn thành ở Nhật Bản. Nhà máy ở Thái Lan sẽ tiến hành xử lý khâu cuối cùng của các tấm wafer để tạo thành các chip mỏng, sau đó sẽ được bao phủ bởi nhựa Resin. Các thành phẩm sau khi hoàn thiện sẽ được xuất khẩu trên phạm vi toàn cầu.

Sony hiện đang xử lý hầu hết các quy trình trước và sau cho cảm biến ô tô tại các nhà máy của mình ở Nhật Bản. Do đó việc lựa chọn Thái Lan -  nơi có chi phí lao động tương đối thấp để mở nhà máy của Sony được cho là thực hiện mục tiêu tối thiểu hóa chi phí sản xuất và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Nguồn cung cấp chất bán dẫn toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiem trọng và gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, khiến việc sản xuất các thiết bị điện tử và linh kiện ô tô bị hạn chế. Với sự phân công lao động quốc tế trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, Sony đang tìm cách tạo ra một hệ thống cho phép họ liên tục cung cấp sản phẩm cho khách hàng ngay cả trong các trường hợp khẩn khẩn cấp như thảm họa hoặc lây lan dịch bệnh truyền nhiễm.

Các nhà sản xuất chất bán dẫn lớn như Intel cũng đang gấp rút nâng cấp và phân bố lại các cơ sở sản xuất của mình.

Trong khi nhu cầu về chất bán dẫn được sử dụng trong PC và điện thoại thông minh đang có xu hưởng giảm, nhu cầu về chất bán dẫn được sử dụng trong ô tô lại đang tăng mạnh trong bối cảnh số hóa phương tiện đang tăng tốc khi thế giới tiến gần hơn đến việc áp dụng các công nghệ lái xe tự động.

Thị trường cảm biến hình ảnh CMOS dự kiến ​​sẽ đạt 26,9 tỷ USD vào năm 2026, tăng 30% so với năm 2021. Sony hiện là nhà sản xuất cảm biến hình ảnh hàng đầu thế giới, kiểm soát khoảng một nửa thị trường.