Theo Reuters, giám đốc điều hành doanh nghiệp trong các cuộc phỏng vấn gần đây nhận định kế hoạch cải tổ chính phủ Mỹ của Tổng thống đắc cử Donald Trump với sự tham gia của tỷ phú Elon Musk đang mở ra triển vọng mới cho sự hợp tác giữa các tập đoàn quốc phòng lớn và những công ty công nghệ nhỏ trong các lĩnh vực hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), máy bay không người lái và tàu ngầm tự động.

 

Cơ hội cho các công ty công nghệ nhỏ

Elon Musk đã thể hiện rõ mong muốn đưa chi tiêu và các ưu tiên của Lầu Năm Góc trở thành tâm điểm của sáng kiến cải tổ. Điều này khiến các “ông lớn” như Boeing, Northrop Grumman, Lockheed Martin và General Dynamics lo lắng.

Ngược lại, các công ty công nghệ quân sự mới nổi như Palantir (chuyên phần mềm trí tuệ nhân tạo) và Anduril (nhà sản xuất máy bay không người lái) lại hào hứng với viễn cảnh giảm thiểu sự thống trị của các tập đoàn lâu đời trên ngân sách quốc phòng Mỹ vốn đã kéo dài hàng thập kỷ.

Tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan ở California, nơi quy tụ các lãnh đạo doanh nghiệp, quân đội và nhà lập pháp, nhiều ý kiến nhận định rằng sự xuất hiện của Musk - một nhà sáng tạo và doanh nhân hàng đầu - sẽ giúp các công ty công nghệ nhỏ đóng vai trò lớn hơn trong việc phát triển quốc phòng.

Musk cùng với nhiều công ty công nghệ mới nổi đã công khai chỉ trích các dự án truyền thống như tiêm kích F-35 của Lockheed Martin và kêu gọi sản xuất hàng loạt các thiết bị hiện đại với chi phí thấp hơn, chẳng hạn như máy bay không người lái và tên lửa sử dụng AI.

Những quan điểm này đang thúc đẩy các tập đoàn quốc phòng lớn hợp tác nhiều hơn với các công ty nhỏ, đặc biệt là những đơn vị có mối quan hệ chặt chẽ với Musk và các công ty của ông như SpaceX và Tesla.

Giám đốc cấp cao tại một tập đoàn quốc phòng lớn đã chia sẻ rằng cuộc đàm phán hợp đồng với các nhà cung cấp công nghệ quân sự nhỏ đã trở nên “sôi động hơn hẳn” kể từ sau chiến thắng bầu cử ngày 5/11 của ông Trump.

Theo các giám đốc tại hội nghị thượng đỉnh, những công ty mới nổi này có thể hưởng lợi từ việc hợp tác với các nhà thầu lớn lâu đời nếu muốn nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất vũ khí mới và triển khai các nền tảng công nghệ mới trong lĩnh vực này.

Shyam Sankar, Giám đốc công nghệ của hãng Palantir, nói với Reuters bên lề hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày về xu hướng cạnh tranh: “Chúng ta đang mắc kẹt trong một cách nhìn hiện tại về lĩnh vực quốc phòng rằng mọi thứ đều là trò chơi tổng bằng không. Nếu bạn phát triển, điều đó có nghĩa là tôi phải thu hẹp lại. Chúng ta vẫn cần hỗ trợ các tập đoàn quốc phòng lâu đời. Khi bạn vượt qua tư duy tổng bằng không, thực tế là tất cả đều có thể cùng phát triển tốt hơn”.

 

Hội thảo tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan ở Simi Valley, Mỹ vào ngày 7/12. Ảnh: Reuters.

Một trong những cơ hội lớn dành cho các công ty công nghệ nhỏ là chương trình Máy bay Chiến đấu Hợp tác (Collaborative Combat Aircraft - CCA). Đây là dự án phát triển máy bay không người lái tích hợp với tiêm kích thế hệ thứ 6 của chương trình Thống trị Không quân Thế hệ Mới (NGAD).

Vào tháng 4, các công ty nhỏ như Anduril và General Atomics đã được lựa chọn thiết kế, chế tạo và thử nghiệm nguyên mẫu cho chương trình này, khẳng định khả năng sáng tạo và cạnh tranh của họ. Trong tương lai, nếu được triển khai sản xuất, các hợp đồng từ dự án này có thể mang lại hàng tỷ USD.

Ngoài ra, các nhà sản xuất máy bay không người lái như Kratos Defense, AeroVironment và Hermeus cũng có vị thế thuận lợi nếu xu hướng sản xuất thiết bị tự động được đẩy mạnh.

Kỳ vọng và thách thức

Tổng thống Donald Trump dự kiến nhậm chức vào ngày 20/1/2025, ông đã bổ nhiệm Elon Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy dẫn đầu sáng kiến cải tổ chính phủ, nhằm cắt giảm chi tiêu, loại bỏ quan liêu và tái cấu trúc các cơ quan liên bang.

Sự tham gia của Musk hứa hẹn mang lại những thay đổi đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực không gian - nơi SpaceX có thể là một trong những đơn vị hưởng lợi lớn nhất. Thỏa thuận hợp tác mới đây giữa Palantir và Booz Allen Hamilton về trí tuệ nhân tạo được xem là tín hiệu tích cực cho xu hướng hợp tác giữa các công ty công nghệ nhỏ và các tập đoàn quốc phòng lớn.

Mặc dù có nhiều cơ hội, Musk sẽ đối mặt với thách thức lớn khi thực hiện cải tổ ngân sách quốc phòng Mỹ. Với ngân sách 850 tỷ USD, Lầu Năm Góc không chỉ tài trợ cho 2 triệu việc làm, gắn bó mật thiết với sinh kế của người Mỹ mà các chương trình quốc phòng thường kéo dài nhiều năm và có giá trị hàng chục tỷ USD sẽ gây khó khăn cho bất kỳ nỗ lực thay đổi nào.

Bên cạnh đó, để đạt được những thay đổi lớn, Musk sẽ phải vượt qua nhiều rào cản từ quốc hội - cơ quan có quyền phê duyệt ngân sách của Lầu Năm Góc.

Ngoài ra, nguồn kinh phí dành cho các công ty quốc phòng mới nổi có thể hạn chế hơn. Hiện tại, dưới 20% ngân sách Lầu Năm Góc được sử dụng để mua hệ thống vũ khí, và chỉ khoảng 1% được dành cho các chương trình mới, theo Tara Murphy Dougherty, CEO của Govini - công ty phần mềm phân tích quốc phòng.

Theo Znews