Theo Luật Căn cước đã được thông qua, từ ngày 1/7/2024, có 5 thay đổi cụ thể trên thẻ căn cước.

5 thay đổi cụ thể trên thẻ căn cước

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV chính thức thông qua Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân 2014.

Theo luật mới được thông qua, có 5 thay đổi cụ thể so với luật cũ, chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024.

Đầu tiên là tên thẻ được đổi từ căn cước công dân đổi thành căn cước. Việc thay đổi này nhằm thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.

Hai là, thông tin quê quán được đổi thành nơi đăng ký khai sinh. Trước đó, Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định, thông tin công dân có mục ghi quê quán lấy theo quê quán của cha hoặc mẹ.

Theo luật mới thông qua, thông tin về quê quán trên thẻ căn cước sẽ bị lược bỏ và tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc bỏ thông tin về quê quán thay bằng thông tin về nơi đăng ký khai sinh được khẳng định là mang tính chính xác với bất kỳ người nào và có tính ổn định cao.

Thứ ba là thay đổi từ nơi thường trú thành nơi cư trú. Theo đó, đối với mẫu thẻ căn cước công dân cũ, công dân bắt buộc phải có thông tin về nơi đăng ký thường trú mới được cấp thẻ căn cước công dân.

Luật mới thông qua quy định, công dân chỉ đăng ký tạm trú vẫn được cấp thẻ căn cước. Từ đó, tất cả người dân đủ điều kiện cấp thẻ căn cước được bảo đảm quyền lợi khi có giấy tờ tùy thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự theo nhu cầu.

Bốn là thẻ căn cước lược bỏ dấu vân tay ngón trỏ so với thẻ căn cước công dân. Theo đơn vị soạn thảo luật, việc không thể hiện vân tay trên bề mặt thẻ căn cước nhằm đảm bảo tính bảo mật, tuy nhiên dữ liệu vân tay ngón trỏ được quản lý trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ.

Điểm thay đổi đáng chú ý là chủ thẻ căn cước có thể là người dưới 14 tuổi. So với luật cũ (người được cấp căn cước công dân phải đủ từ 14 tuổi trở lên) thì luật mới quy định công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cũng được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi phù hợp với các quy định hiện hành. Đồng thời giảm thủ tục hành chính, giảm giấy tờ.

Một điểm đáng chú ý của Luật Căn cước là việc bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước. Quy định này để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân, hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người.

10 trường hợp phải cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước

Theo quy định của Luật Căn cước, công dân được cấp đổi thẻ căn cước trong 7 trường hợp sau:

Đến độ tuổi phải cấp đổi thẻ căn cước theo khoản 1 Điều 21 Luật Căn cước: Khi công dân đủ 14 tuổi, đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Thay đổi thông tin họ, chữ đệm, tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh; Khi thay đổi nhân dạng, xác định lại giới tính/chuyển đổi giới tính.

Có sai sót trên thẻ căn cước về các thông tin trên thẻ này; Khi thay đổi địa giới hành chính, đơn vị hành chính; Xác lập lại số định danh cá nhân.

Khi có yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước.

Lưu ý, căn cước công dân, thẻ căn cước đã sử dụng sẽ bị thu hồi trong 7 trường hợp trên.

Bên cạnh đó, khi công dân chưa đến tuổi phải đổi thẻ căn cước thì sẽ được cấp lại thẻ căn cước trong trường hợp: Bị mất thẻ; Bị hư hỏng thẻ đến mức độ không thể sử dụng được nữa; Công dân được trở lại quốc tịch Việt Nam.

Những trường hợp này có thể làm online trên cổng dịch vụ công hoặc đến trực tiếp nơi cấp thẻ để thực hiện. Thông tin được sử dụng là thông tin trên thẻ căn cước đã được cấp gần nhất.

T/h