Khu vực kinh tế tư nhân, trong đó trọng tâm là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế) luôn có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm (chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế).
Tuy nhiên,
các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn, thách thức để phát triển
nhanh, bền vững cả về số lượng, quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Nhằm tháo
gỡ các rào cản, khó khăn, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt
phá, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và các cơ quan có liên quan (gọi tắt là các bộ, ngành, địa phương)
tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, định hướng, mục
tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm
sau đây:
Phấn đấu từ
nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp
Thủ tướng
Chính phủ yêu cầu thực hiện quyết liệt mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và
vừa nhanh, bền vững, tăng trưởng về số lượng, chất lượng, quy mô, hiệu quả hoạt
động và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Phấn đấu từ nay đến năm 2030 có
thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.
Ưu tiên bố
trí nguồn lực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó tập trung vào
hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh
tranh tham gia chuỗi giá trị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các mô
hình kinh doanh mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi
số.
Các bộ,
ngành, địa phương có liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, lấy người dân,
doanh nghiệp làm trung tâm, coi khó khăn của người dân, doanh nghiệp là khó
khăn của mình để chủ động hỗ trợ, đồng hành, tháo gỡ trên tinh thần "không
nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", "không hình sự
hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự"; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành
động quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể trên tinh thần "rõ người, rõ việc,
rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả"...
Trong năm
2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính
Theo Chỉ
thị, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải
cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng
cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các bộ,
ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm
vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội,
Chính phủ... nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn, tạo điều kiện huy động tối đa
nguồn lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh
tế. Cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời
gian xử lý thủ tục hành chính; giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ; bãi bỏ ít
nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Chuyển mạnh quản lý từ "tiền
kiểm" sang "hậu kiểm", gắn với tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát.
Tập trung
cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng
mắc cho doanh nghiệp, dự án. Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số
để giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin và các dịch vụ công thuận lợi, nhanh
chóng.
Bộ Tài
chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân sách
nhà nước, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; trình
Chính phủ bảo đảm kịp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc
hội khóa XV theo quy định để khắc phục triệt để các bất cập, vướng mắc hiện
nay. Nghiên cứu, đề xuất khung pháp lý quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số,
tài sản mã hóa, tiền kỹ thuật số lành mạnh và hiệu quả, trình Chính phủ trong
tháng 3 năm 2025.
Bộ Khoa học
và Công nghệ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới
sáng tạo, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi, trình Chính phủ bảo đảm
kịp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV theo
quy định.
Bộ Công
Thương nghiên cứu, xây dựng, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội đưa vào Chương
trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 về dự thảo Luật Sản xuất sản
phẩm công nghiệp trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng
điểm phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; báo cáo Chính
phủ trong Quý II năm 2025.
Phát triển
cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
Về công
tác quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và
vừa phát triển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương: Tập
trung triển khai hiệu quả các quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch đã ban
hành; phát triển các hành lang kinh tế, vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ
gần với các trung tâm mới (sân bay Long Thành, trung tâm tài chính quốc tế); chủ
động đề xuất các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp mới (bán dẫn,
chíp...), qua đó dẫn dắt, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời
phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt trên 95% kế hoạch được
giao, đặc biệt ưu tiên các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến
lược và các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia. Nâng cao chất lượng chuẩn bị
đầu tư các dự án cho giai đoạn 2026 - 2030, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược,
đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối quốc tế, đường sắt
đô thị, các cảng biển trung chuyển quốc tế...; đặc biệt thúc đẩy đầu tư của các
tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp lớn để tạo động lực dẫn
dắt, lan tỏa, kích hoạt đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hỗ trợ
doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tài chính, tín dụng
Thủ tướng
giao Bộ Tài chính có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh hoạt động cho vay của Quỹ Phát
triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo kênh huy động vốn với chi phí hợp lý cho
doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện triệt để việc đơn giản hoá quy trình, thủ tục,
hồ sơ hỗ trợ ưu đãi thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp; nghiên cứu
áp dụng phương thức hậu kiểm để doanh nghiệp nhỏ và vừa không bị ảnh hưởng về
dòng tiền và hoạt động kinh doanh.
Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng
cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên giữ ổn
định lãi suất; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhưng phải phù
hợp, hiệu quả, tạo niềm tin cho doanh nghiệp; phối hợp với các Bộ, ngành, địa
phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Tập
trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động
lực tăng trưởng kinh tế truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các động
lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế
chia sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...); kiểm soát chặt chẽ tín dụng
đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Hỗ trợ
doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số
Đối với việc
hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số,
tăng năng suất lao động, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp Việt để mở rộng thị
trường và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành,
địa phương triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất
lượng cao cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào đào tạo nâng cao trình độ,
kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp; đào tạo quản trị
doanh nghiệp chuyên sâu; đào tạo theo nhu cầu thực tế tại doanh nghiệp; đào tạo
trực tuyến cho doanh nghiệp.
Thúc đẩy
triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới
sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các mô hình kinh tế mới
(kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ), các ngành, lĩnh vực mới
nổi (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, năng lượng mới, y sinh học,
công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí...).
Phát huy
hơn nữa vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Theo Chỉ
thị, phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và
các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng.
Hiệp hội
doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành
hàng chủ động, tích cực và nâng cao hiệu quả vai trò kết nối cộng đồng doanh
nghiệp, phát huy tính đại diện cho doanh nghiệp hội viên trong việc tham gia
góp ý, xây dựng, phản biện chính sách; theo dõi, giám sát, đánh giá độc lập quá
trình xây dựng và thực thi pháp luật và các chương trình, kế hoạch, dự án phát
triển của Nhà nước liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa; đại diện bảo vệ quyền
lợi hội viên trong các tranh chấp.
Đồng thời
đẩy mạnh hoạt động và nâng cao chất lượng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và
vừa; phát triển đội ngũ doanh nhân; tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh
doanh Việt Nam; tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; tăng
cường hoạt động kết nối, hỗ trợ phát triển hiệp hội doanh nghiệp và hội viên,
xây dựng cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, hùng mạnh vì một Việt Nam hùng cường.
Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tập trung quán triệt, xây dựng
kế hoạch để tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả và chỉ đạo các cơ quan, tổ
chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị
này; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện
của bộ, ngành, địa phương.
Theo BCP