Không giống như các nhà hàng thông thường, mô hình ăn dặm hướng đến phục vụ trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi, độ tuổi bắt đầu bước vào giai đoạn ăn bổ sung. Các bữa ăn tại đây được thiết kế riêng biệt, gồm các món như cháo, bột, rau củ nghiền, súp trái cây... với nguyên liệu được kiểm soát nghiêm ngặt: hữu cơ, tươi sạch, không chất phụ gia hay gia vị.
Không chỉ dừng lại ở chất lượng món ăn, các nhà hàng
còn chú trọng vào khâu trải nghiệm. Nhiều cơ sở đã kết hợp tổ chức lớp học dinh
dưỡng song song với dịch vụ ăn uống, mời chuyên gia đến hướng dẫn cha mẹ về
phương pháp ăn dặm khoa học, kỹ năng chọn nguyên liệu và cả cách nhận biết dấu
hiệu thiếu chất ở trẻ nhỏ. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giúp mô hình này tạo
dấu ấn và giữ chân khách hàng.
Sự thành công của mô hình này không phải là ngẫu
nhiên. Nó bắt nguồn từ sự thay đổi rõ rệt trong hành vi tiêu dùng và thói quen
sinh hoạt của các gia đình trẻ tại Trung Quốc. Trong khi thế hệ phụ nữ hiện đại
ngày càng tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, họ lại ít có thời gian để
nấu nướng nhưng vẫn muốn dành cho con những bữa ăn chất lượng. Đó là lúc các
nhà hàng ăn dặm trở thành cánh tay đắc lực.
Song song, xã hội Trung Quốc đang chứng kiến làn sóng
mạnh mẽ của phong trào “ăn sạch, sống xanh”, trong đó thực phẩm organic, chế biến
đơn giản và an toàn vệ sinh thực phẩm lên ngôi. Những yếu tố này khiến nhà hàng
ăn dặm nhanh chóng được ưa chuộng và xem như lựa chọn ưu tiên cho các bậc phụ
huynh hiện đại.
Không ít phụ huynh sẵn sàng trả giá cao để đổi lấy sự
yên tâm khi con mình được ăn uống an toàn, đúng khoa học. Mức sống ngày càng
tăng khiến việc đầu tư cho con cái không còn là gánh nặng, mà là khoản chi
"phải có" trong ngân sách hàng tháng của nhiều gia đình.
Bản chất của mô hình nhà hàng ăn dặm chính là một ví dụ
tiêu biểu cho chiến lược khai thác thị trường ngách. Đây là hình thức kinh
doanh nhắm đến một nhóm khách hàng cụ thể, có nhu cầu đặc biệt, trong trường hợp
này là các gia đình có con nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi.
Thay vì cạnh tranh khốc liệt với các nhà hàng thông
thường hay dịch vụ giao đồ ăn đại trà, mô hình này đi sâu vào một phân khúc
chưa được khai thác triệt để. Nó không chỉ cung cấp sản phẩm (đồ ăn dặm) mà còn
tích hợp dịch vụ gia tăng (giáo dục dinh dưỡng), tạo nên một hệ sinh thái sản
phẩm – dịch vụ khép kín và bền vững.
Thậm chí, nhiều nhà hàng đang mở rộng sang mảng bán
hàng online, giao thực phẩm đến tận nhà hoặc cung cấp combo theo tuần, kèm theo
hướng dẫn chi tiết. Điều này giúp mô hình tiếp cận thêm một lượng lớn khách
hàng ở vùng xa hoặc không tiện đưa trẻ đi ăn ngoài.
Tuy tiềm năng lớn, mô hình này cũng phải đối mặt với
không ít thách thức. Chi phí vận hành cao, từ nguyên liệu organic đến chuyên
gia dinh dưỡng, từ cơ sở vật chất tiêu chuẩn cao cho trẻ em đến chi phí
marketing là một rào cản với nhiều nhà đầu tư. Ngoài ra, thói quen ăn uống truyền
thống và tâm lý e ngại "cho trẻ ăn ngoài" vẫn còn tồn tại ở một bộ phận
phụ huynh.
Tuy nhiên, trong dài hạn, những trở ngại này có thể được
hóa giải nếu mô hình tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ và chứng
minh được giá trị thực tế thông qua kết quả dinh dưỡng ở trẻ. Trong tương lai,
không loại trừ khả năng mô hình này có thể được nhân rộng sang nhiều quốc gia
châu Á khác, nơi có đặc điểm dân số trẻ, thu nhập tăng và xu hướng tiêu dùng
tương đồng với Trung Quốc.
NQS