Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Nhưng hiện nay ngành cơ khí Việt Nam hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.

Thế mạnh tập trung của ngành cơ khí Việt Nam đang nằm ở đâu?

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), với khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam, ngành cơ khí trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Theo PGS.TS Lê Thu Quý - Giám đốc Trung tâm Đào tạo – Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) đánh giá tại diễn đàn kinh tế - tài chính trực tuyến: "Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam" tổ chức mới đây: Hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ôtô và phụ tùng ôtô. Ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.

Đáng chú ý cơ khí chế tạo trong nước cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85-95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó phải kể đến một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực ôtô như: Vinfast, Thành Công, Thaco…

Đơn cử Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) với sự thích ứng linh hoạt, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, nhiều mặt hàng linh kiện phụ tùng và cơ khí xuất khẩu của Thaco Auto (thuộc Thaco) tăng về lượng lẫn giá trị. Đối với thị trường trong nước, Thaco Auto đã phát triển sản phẩm phù hợp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng và cơ khí cho nhiều hãng ô tô, xe máy và các doanh nghiệp FDI, như: Hyundai, Toyota, Isuzu, Piaggio, Amann, Makitech…

Nhìn nhận về ngành cơ khí, chuyên gia kinh tế TS.Vũ Đình Ánh khẳng định, nói đến ngành cơ khí nói chung, trong đó có ngành công nghiệp ô tô, hiện nay chỉ có 20 quốc gia phát triển ngành công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp độc lập. Việt Nam mặc dù là một nước đi sau, nhưng đang trong tiến trình phát triển và trụ cột là công nghiệp ô tô hướng ngành công nghiệp này vào bản đồ công nghiệp ô tô thế giới.

Tuy nhiên, TS.Vũ Đình Ánh chỉ ra, sản phẩm cơ khí Việt Nam ngoài những thương hiệu như Vinfast, Thành Công, Thaco, còn lại các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao và gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng cho rằng, nhiều năm qua, hàng loạt hạn chế, yếu kém đến từ cơ chế, chính sách quản lý cũng như từ phía bản thân doanh nghiệp đã khiến ngành công nghiệp cơ khí phát triển khá mờ nhạt, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Ngay tại thị trường trong nước, ngành cơ khí cũng không có được nhiều thị phần, phải tự vận động, phát triển mà chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của Nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác. Dẫn đến các doanh nghiệp cơ khí vốn đã thiếu đơn hàng lại còn bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Có rất nhiều dự án lớn về xây dựng, giao thông, các công trình thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô-tô, xe máy… vẫn chủ yếu sử dụng sản phẩm cơ khí nhập ngoại hoặc do các doanh nghiệp FDI đảm nhiệm.

Xác định đúng nhu cầu thị trường

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược này là đến năm 2035, ngành Cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước.

Theo PGS.TS Lê Thu Quý, để phát triển ngành cơ khí Việt Nam cần xác định nhu cầu thị trường, chỉ rõ những khoảng trống để phát triển những lĩnh vực mà ngành có thể cạnh tranh được. Ngoài việc tạo thị trường cho doanh nghiệp, các cơ chế, chính sách phải linh hoạt để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đặc biệt phải chú trọng phát triển ngành cơ khí luyện kim, công nghiệp hỗ trợ...

Chuyên gia kinh tế TS.Vũ Đình Ánh cũng góp ý, để đạt được mục tiêu cần có phải có chính sách, cụ thể tăng tỉ lệ nội hóa ngành cơ khí, tăng giá trị sản xuất trong nước. Đơn cử như đối với gành công nghiệp ô tô Việt Nam cần hướng tới chuỗi giá trị gia tăng cao hơn.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Thaco Auto cho biết, để phát triển sản xuất thúc đẩy phát triển lĩnh vực cơ khí của doanh nghiệp, công ty đã chủ động đẩy mạnh nền tảng công nghệ hiện đại và chuỗi giá trị trọn gói từ nghiên cứu, phát triển sản phẩm đến sản xuất và cung ứng là cơ sở quan trọng để công ty nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tạo lợi thế cạnh tranh.

Hiện nay, Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại và các công ty đa quốc gia mở rộng tìm đối tác liên doanh, liên kết, đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam và xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng là cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp.

Nắm bắt xu thế này, Thaco Auto đã liên kết với các doanh nghiệp FDI để cung cấp linh kiện OEM; kết nối với các tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; đồng thời nghiên cứu xu thế hợp tác giữa các nền kinh tế lớn Mỹ, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Canada, EU để phát triển kinh doanh; tìm hiểu chính sách áp và ưu đãi thuế giữa các nước để tiếp cận các thị trường tiềm năng.

Đề cập đến giải pháp phát triển ngành cơ khí Việt Nam, ông Đào Phan Long- Chủ tịch VAMI cho rằng, cơ khí Việt Nam muốn có nhiều đơn hàng, tham gia chuỗi xuất khẩu cần phải đổi mới thiết bị, công nghệ, trình độ khoa học công nghệ để có thể chế tạo các sản phẩm phụ tùng, linh kiện, chi tiết máy theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài với chủng loại đa dạng. Trong tương lai, ngành cơ khí đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo, không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần, nên các doanh nghiệp buộc phải liên kết, đi sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thông tin từ VAMI chỉ ra rằng, dù vậy, cơ hội cho ngành cơ khí trong thời gian tới là rất nhiều. Trước hết, thị trường cho máy móc thiết bị của Việt Nam rất lớn, đến giai đoạn năm 2030 khoảng hơn 300 tỷ USD. Trong đó, giá trị máy móc thiết bị cho các công trình công nghiệp như: nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản khoảng 120 tỷ USD; thiết bị và vật tư cho xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc khoảng 20 tỷ USD; hệ thống tàu điện ngầm khoảng 10 tỷ USD; công nghiệp ô tô khoảng 130 tỷ USD... Theo đó cơ hội của ngành cơ khí Việt Nam là rất lớn.

Về phía Bộ Công Thương cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí, trong năm 2022 và những năm tới, Bộ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Hiện nay, 2 Trung tâm này đã có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp cơ khí tại một số địa phương trên cả nước như hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Các Trung tâm đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn; trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển...

Lan Anh - BCT