Công nghiệp cơ khí là một trong những ngành xương sống, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên trong vài thập kỷ trở lại đây, dường như công nghiệp cơ khí nước nhà đang có dấu hiệu tụt lại so với  trong khu vực và trên thế giới. Những thách thức mới đặt ra trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) yêu cầu các cơ sở nghiên cứu, chế tạo cơ khí trong nước cần có những giải pháp, thay đổi để đảm bảo sự cạnh tranh và tồn tại.

Xoay quanh vấn đề này, TS. Vũ Văn Khoa, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí (NARIME) - Bộ Công Thương đã có những trao đổi với trang thông tin khoa học công nghệ ngành Công Thương (khcncongthuong.vn).


TS. Vũ Văn Khoa, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu  cơ khí - Bộ Công Thương (NARIME)

 Xin ông cho biết những thách thức đối với các cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu – chế tạo cơ khí công nghiệp nước ta trong bối cảnh CMCN 4.0?

TS. Vũ Văn Khoa:

CMCN 4.0 được hình thành dựa trên kết hợp kỹ thuật số, với các công nghệ cao để tạo ra công nghệ thông minh như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật (IoT). Sản xuất tương lai sẽ kết hợp các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, mạng thế giới ảo (phần mềm, mạng) và thế giới thực (máy và thiết bị)… xích lại gần nhau. Sự hội tụ các công nghệ đỉnh cao cho phép sử dụng các nguồn lực một cách tối ưu, tiết kiệm lao động, tiết kiệm đầu tư, tiết kiệm thời gian,... trong quá trình nghiên cứu-chế tạo công nghệ và tổ chức sản xuất.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp thế giới đang bước sang CMCN lần thứ 4, thì ở Việt Nam ngành cơ khí chế tạo còn đang khá lạc hậu, trình độ công nghệ chủ yếu vẫn ở trình độ của cuộc CMCN lần thứ 2 với nhiều khó khăn và tồn tại. Chẳng hạn như ngành sản xuất cơ khí cơ bản ở trình độ làm gia công. Ở nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đủ sức tự chế tạo ra một số sản phẩm có sức cạnh tranh quốc tế; chưa đủ sức chế tạo linh kiện, phụ tùng cho các tập đoàn đa quốc gia, sửa chữa các trang thiết bị phức tạp... Doanh nghiệp cơ khí thường có quy mô nhỏ, quản trị kém, công nghệ thấp, khả năng liên kết yếu. Việc sử dụng công nghệ điện tử và công nghệ thông tin còn chưa phổ biến, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, do có cách tổ chức sản xuất tốt đã và đang có rất nhiều loại sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam làm rất tốt như thiết bị cơ khí thuỷ công cho thuỷ điện, các chi tiết phi tiêu chuẩn cho công nghiệp xi măng, nhiệt điện, hoá dầu, khuôn mẫu…

 

Shipunloader thuộc hệ thống cung cấp than của NARIME. Ảnh: NARIME.

Những thách thức đối với các cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu – chế tạo cơ khí công nghiệp nước ta trong bối cảnh CMCN 4.0 bao gồm:

Thứ nhất, trong sản xuất gia công cơ khí, công tác thiết kế sẽ được trợ giúp rất lớn từ các hệ thống máy tính và phần mềm thông minh. Máy móc cũng thay thế con người trong công tác gia công chế tạo và lắp đặt thiết bị. Điều này buộc các doanh nghiệp cơ khí muốn phát triển mạnh và bền vững phải thay đổi cơ cấu lao động và ngành nghề, chuyển từ lao động có trình độ chuyên môn thấp lên trình độ chuyên môn cao, đầu tư công nghệ gia công tiên tiến, thay đổi phương thức quản lý sản xuất và nâng cao công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, đầu tư cho công nghiệp đặc biệt là công nghiệp nặng là rất tốn kém trong khi đó nguồn lực của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam lại có hạn. Một số chính sách ưu tiên phát triển sản phẩm cơ khí của Nhà nước chưa đủ dài và việc áp dụng phức tạp, do vậy chưa tạo ra được động lực thúc đẩy các doanh nghiệp vay vốn, đầu tư chiều sâu vào sản xuất.

Thứ hai, CMCN lần thứ 4 sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp cơ khí nói riêng. Sự canh tranh không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước mà còn với các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.

Vậy liệu có cơ hội nào cho các  doanh nghiệp cơ khí trong nước?

TS. Vũ Văn Khoa:

CMCN lần thứ 4 sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế và đời sống xã hội, đặt ra rất nhiều thách thức cho ngành cơ khí.Nước ta không còn lợi thế thu hút đầu tư dựa vào chi phí lao động thấp; năng lực khoa học và công nghệ hạn chế khả năng tiếp cận và áp dụng các thành tựu của CMCN 4.0… nếu không có giải pháp mạnh mẽ sẽ tụt hậu xa hơn.

Tuy nhiên, CMCN lần thứ 4 cũng mang lại nhiều cơ hội cho ngành như: có điều kiện tiếp thu các công nghệ mới, hay còn gọi là đi tắt đón đầu, tạo ra phương pháp sản xuất thông minh, chuyển dịch sang nền kinh tế tri thức.


Lắp đặt Hệ thống cung cấp than Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. Ảnh: NARIME.

Cơ hội đối với các cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu – chế tạo cơ khí công nghiệp nước ta trong bối cảnh CMCN lần thứ 4 bao gồm:

Thứ nhất, với sự phát triển ngày càng mạnh của công nghệ số, thông tin liên lạc sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất của các doanh nghiệp theo chiều hướng tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng hiệu quả công việc.

Thứ hai, CMCN lần thứ 4 với sự phát triển vượt bậc của công nghệ gia công cơ khí sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất, tối ưu hóa quá trình sản xuất. Nếu đầu tư đúng và có định hướng sản phẩm, các doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào chuỗi cung toàn cầu.

Thứ ba, CMCN lần thứ 4 với tính chất lan tỏa toàn cầu sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm và dịch vụ tốt quảng bá hình ảnh, mở rộng những thị trường mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ tư, các doanh nghiệp sẽ được cọ xát, hưởng lợi từ nhà cung ứng nhờ việc các nhà cung cấp sẽ cạnh tranh nhau về cải thiện chất lượng, tốc độ giao nhận, mức giá của hàng hóa và tính minh bạch ngày càng tăng lên nhờ việc tiếp cận được với các hệ thống kỹ thuật số toàn cầu nhằm nghiên cứu, phát triển, tiếp thị, bán và phân phối hàng hóa.

NARIME là một trong số những “thương hiệu” được bảo chứng trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo cơ khí công nghiệp nặng với rất nhiều công trình nghiên cứu, sản phẩm có giá trị gắn liền với các công trình lớn của đất nước. Điều gì làm nên giá trị của Narime hôm nay?

TS. Vũ Văn Khoa:

Ngay từ những ngày đầu thành lập năm 1962, Viện Nghiên cứu Cơ khí - NARIME (tiền thân là Viện Thiết kế Chế tạo Cơ khí) đã xác định nhiệm vụ nội địa hóa thiết bị và hệ thống của các nhà máy công nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Trong những năm qua, NARIME thực hiện phương châm gắn chặt các hoạt động nghiên cứu với các chương trình kinh tế xã hội. Trung bình mỗi năm Viện thực hiện khoảng 5 đến 10 đề tài/nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp. Với việc hỗ trợ từ các nguồn lực tài chính từ Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp với nguồn lực tài chính từ các hợp đồng kinh tế lớn, Lãnh đạo Viện và các nhà khoa học, đội ngũ cán bộ công nhân viên của Viện luôn nỗ lực phấn đấu để phục vụ các doanh nghiệp với phương châm “Giải pháp hoàn hảo, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường”.

Do vậy, theo tôi điều làm nên giá trị của NARIME chính là bề dầy kinh nghiệm gắn liền với đội ngũ nghiên cứu khoa học công nghệ được trưởng thành qua các công trình lớn của đất nước.

 

Hệ thống phao nổi nhà máy điện mặt trời nổi. Ảnh: NARIME.

Được biết, ngoài những công nghệ chủ lực truyền thống, NARIME đang nghiên cứu phát triển một số công nghệ mới. Ông có thể chia sẻ thêm về một số công nghệ này và ứng dụng?

TS. Vũ Văn Khoa:

Trong những năm qua, Viện đã đạt được một số kết quả nghiên cứu nổi bật. Chẳng hạn như làm chủ thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện cấp đặt biệt là Sơn la (2400MW) và Lai Châu (1200MW); làm chủ thiết kế, chế tạo hệ thống cung cấp than, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy… cho nhà máy nhiệt điện.

Trong khai thác và chế biến khoáng sản, Viện đã thực hiện nhiều dự án thiết kế, chế tạo thiết bị phụ trợ; từng bước làm chủ thiết kế nhà máy, quản lý dự án, tích hợp thiết bị đưa vào vận hành cho các nhà máy nhà máy chế biến bauxít.

Ngoài ra, Viện đã thành công trong việc làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống phao nổi và neo cho các dự án điện mặt trời nổi. Đây là sản phẩm khoa học công nghệ được hỗ trợ từ quỹ đầu tư phát triển của Viện. Công nghệ đã được ứng dụng cho dự án Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi với công suất 47,5MW.

Trong lĩnh vực tự động hoá, Viện đã làm chủ việc thiết kế, tích hợp các hệ thống tự động hóa cho các dây chuyền công nghiệp như nhà máy giấy, xi măng, thủy điện nhỏ. Sản phẩm được sự hỗ trợ từ khoa học công nghệ của ba đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, lắp đặt và vận hành hệ thống điều khiển tổ máy Tua bin thuỷ lực và nhà máy thuỷ điện Đaksrông”, “Nghiên cứu, thiết kế hệ thống điều khiển tự động hóa nhà máy xi măng lò quay công suất 2.500 T clinke/ngày” và “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống đóng bao xi măng tự động nhà máy xi măng lò quay công suất 2.500 T Clinke/ngày”.

Một số nghiên cứu khác cũng là thế mạnh của NARIME như chuẩn đoán, giám sát tích cực chi tiết quay công trình công nghiệp; thiết kế chế tạo dây chuyền lắp ráp và khuôn mẫu, đồ gá cho ngành ô tô, xe máy.

Hiện, NARIME đang tập trung nguồn lực để nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiến tới làm chủ các công nghệ mới như: công nghệ, thiết bị thải khô bùn đỏ, hệ thống sử lý sự cố môi trường, áp dụng cho các nhà máy alumin Lâm Đồng và Nhân Cơ.

Thời gian gần đây, để tiếp cận gần hơn với CMCN lần thứ 4, Viện đã thành lập nhóm nghiên cứu các sản phẩm liên quan đến rô bốt và công nghệ cao. Mục đích là làm chủ một số công nghệ trong các hệ thống sản xuất tự động, linh hoạt và hệ thống kho chứa thông minh trong ngành công nghiệp.

Viện đã đề xuất Vụ Khoa học công nghệ-Bộ Công Thương để có các hỗ trợ cần thiết cho nhóm nghiên cứu. Hy vọng khi hoàn thiện, nhóm sản phẩm này sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường, phát huy thế mạnh và năng lực của NARIME, góp phần tăng cường tính tự chủ và tăng thu nhập cho người lao động, đưa ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam hội nhập quốc tế, đáp ứng CMCN 4.0.

Xin cảm ơn ông./.

* Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) trực thuộc Bộ Công Thương là cơ quan nghiên cứu triển khai của Nhà nước về khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực cơ khí và tự động hoá.

Trong thời gian qua, NARIME đã từng bước hợp tác, liên kết nghiên cứu, chế tạo và hoàn thiện những hệ thống thiết bị đồng bộ có chất lượng, tiêu chuẩn châu Âu, đủ khả năng đấu thầu cung cấp thiết bị cho các nhà máy công nghiệp trong và ngoài nước như Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, Nhà máy luyện kim Myanmar… Đây cũng là nhà cung cấp uy tín các giải pháp, thiết bị phụ trợ, phụ tùng thay thế cho nhiều nhà sản xuất, lắp ráp trong nước như VAP, Honda, Toyota, Doosan, VinFast…

Theo Hương Giang

Nguồn : khcncongthuong