Năm 2022, Việt Nam sản xuất giày da đứng thứ 3 thế giới, chiếm tỷ
trọng 6,71%. Về kim ngạch xuất khẩu, sản xuất da giày Việt Nam đứng thứ 2 thế
giới, chiếm 9,9% tỷ trọng của toàn thế giới, đạt 27 tỷ USD - đây là con số kỷ lục
trong suốt chiều dài lịch sử của ngành da giày.
“Không chỉ đạt kỷ lục về kim ngạch, điểm sáng năm qua còn phải kể đến ngành sản xuất da giày Việt Nam cũng đang chuyển mình mạnh mẽ sang thời kỳ chuyển đổi số . Minh chứng là trong thời gian gần đây, liên tục có các sự kiện liên quan đến chuyển đổi số, đây không còn là xu hướng trong tương lai mà là con đường tương lai trước mắt ”, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thanh - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Da - Giầy (LSI) chia sẻ tại Leather Summit 2023 mới đây.
Trong đó, động lực chính nhờ tận dụng được các hiệp định như
EVFTA, CPTPP (tỷ lệ tận dụng trên 90%). Đơn cử như với Hiệp định Thương mại tự
do Việt Nam-EU (EVFTA), thị trường EU là một thị trường truyền thống và cũng là
thị trường chính của ngành da giầy.
Tuy nhiên, trước khi EVFTA có hiệu lực thì tỷ trọng xuất khẩu vào
EU chỉ chiếm khoảng 22 - 23%, còn sau khi hiệp định này có hiệu lực thì tỷ trọng
được nâng lên 26%. Trong 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid, hầu như xuất
khẩu vào tất cả các thị trường đều suy giảm. Song chính nhờ EVFTA mà ngành da
giầy vẫn duy trì được tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường EU.
Dù vậy, vẫn còn rất nhiều thách thức với ngành giày da nói chung
và doanh nghiệp nói riêng.
“Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về lượng xuất khẩu da giày với
hơn 1 tỷ đôi xuất khẩu mỗi năm và giày da hiện đang nằm là ngành đóng góp lớn
vào GDP của quốc gia. Tuy tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của ngành đạt khoảng
27 tỷ USD, nhưng tỷ trọng của các doanh nghiệp khối ngoại vẫn chiếm tỷ lệ cao với
trên 80% ”, ông Phạm
Quang Vũ Anh - CEO Genus Leather kiêm sáng lập Leather Summit 2023 – nhấn mạnh.
Theo ông, giải pháp cần thiết là phải nâng cao năng lực cạnh tranh
cho các doanh nghiệp Việt Nam là việc rất quan trọng, đặc biệt là các doanh
nghiệp đang chỉ làm hàng nội địa, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các
tiêu chuẩn xuất khẩu hoặc khả năng cạnh tranh trong chính “sân nhà" là điều
cần được quan tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh bức tranh tiêu dùng 2023 dự báo suy
giảm.
Ghi nhận bởi Hiệp hội Da giầy – túi xách Việt Nam (Lefaso), từ quý
4/2022 những ngành xuất khẩu, trong đó có da giầy, đều phải chịu tác động rất lớn
của thị trường thế giới. Cụ thể, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật
Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và đặc biệt tồn
kho khá lớn đối với mặt hàng thời trang. Chính những yếu tố này ảnh hưởng tới
tình hình đơn hàng của ngành da giầy. Dự kiến phải đến hết quý 2/2023 tình hình
mới có thể khả quan hơn.
Trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp, nhu cầu
giảm, các doanh nghiệp sản xuất theo giới chuyên môn phải tiếp tục phân tích
thông tin thị trường để lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh linh hoạt với thực tế
đơn hàng.
Hiện, với lợi thế về thu hút nguồn vốn FDI vào sản xuất trong hơn thập kỷ qua, ngành da giày Việt Nam đang là nguồn cung ứng giày dép tin cậy cho các tập đoàn toàn cầu. Trong đó, sản lượng xuất khẩu giày dép của Việt Nam chỉ đứng sau thị trường Trung Quốc, hàng năm xuất khẩu hơn 1 tỷ đôi giày các loại sang nhiều thị trường trên thế giới.
Nhiều hãng giày lớn như Nike, Adidas cũng cho biết tiếp tục tính
toán để mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Minh chứng, Tập đoàn Adidas đã có những
kết quả kinh doanh hết sức tích cực trong năm 2022 và Việt Nam tiếp tục là địa
bàn chiến lược của Adidas. Việt Nam là nguồn cung ứng quan trọng nhất cho
Adidas.
Việt Nam cũng là địa chỉ sản xuất lớn của Tập đoàn Nike (Mỹ), hiện
nay, Nike sản xuất khoảng 600 triệu đôi giày mỗi năm và 50% trong số đó được sản
xuất tại Việt Nam, 50% nguyên liệu cho chuỗi cung ứng toàn cầu của Nike cũng từ
Việt Nam .
Theo MKT