Mở đầu Hội
nghị, Trung ương dành một phút tưởng niệm Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng
Chính phủ Lê Văn Thành; các nạn nhân đã bị thiệt mạng trong các đợt thiên tai,
hỏa hoạn.
Tại Hội nghị,
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương sẽ bàn và cho ý kiến kết luận
về các vấn đề: Tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch
năm 2024; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026 và lộ trình
thực hiện chế độ tiền lương mới; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung
ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020; tổng kết
20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn
kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; tổng
kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức
trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tổng kết 10 năm
thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong
tình hình mới; quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV và một số vấn đề
quan trọng khác.
Xác định
rõ ràng, đúng đắn những quan điểm phát triển
Phát biểu
khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Hội nghị Trung ương
lần này xem xét, quyết định nhiều vấn đề trọng đại, phức tạp, nhạy cảm, có ý
nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp
hành Trung ương khóa XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ.
Việc Trung
ương xem xét, cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm
2023 - 2024 được đặt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động
nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, khó khăn, thách thức
nhiều hơn, lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi và so với dự báo, đã ảnh hưởng
tiêu cực, rất nặng nề đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ
phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương nghiên cứu thật kỹ Tờ trình và các Báo
cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ, tập trung thảo luận, phân tích sâu những đặc
điểm nổi bật của năm 2023, làm rõ những kết quả đã đạt được, hạn chế, yếu kém
còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, thách thức phải tiếp tục vượt
qua. Đồng thời, chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh
nghiệm; dự báo những khả năng, tình huống sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối
năm 2023 và năm 2024 với tinh thần thật sự khách quan, toàn diện.
Tổng Bí
thư lưu ý những khó khăn, hạn chế đã và sẽ phải đối mặt như: Kinh tế vĩ mô ổn định
chưa vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ thị trường nước ngoài. Thị trường
tài chính - tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn khó
khăn, tiềm ẩn rủi ro. Hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động
trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn. Sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn
sau đại dịch COVID-19. Một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật chậm
được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hoặc chưa được thực hiện nghiêm minh. Một bộ
phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh giải quyết công việc thuộc
thẩm quyền. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm
ẩn phức tạp...; xác định rõ ràng, đúng đắn những quan điểm phát triển, tư tưởng
chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và nhiệm vụ, giải
pháp chủ yếu của những tháng còn lại của năm 2023 và cho năm 2024; trong đó có
sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày
1/7/2024.
Tiếp tục đổi
mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách xã hội
Về tổng kết
10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã
hội, Tổng Bí thư nêu rõ, trong 10 năm qua, đất nước ta đã phát triển, đạt được
nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế
độ ta. Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ổn định và hài hòa hơn. Đời sống vật
chất, tinh thần của nhân dân trên mọi miền đất nước được nâng lên. Việt Nam là
một quốc gia đi đầu trong việc giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển
thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Các chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện, từng bước nâng cao chất lượng, mức hỗ trợ, mở rộng diện bao phủ theo hướng công bằng, tiến bộ, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, cơ bản bảo đảm an sinh của người dân theo quy định của Hiến pháp; thực hiện tốt chính sách ưu đãi và tôn vinh đối với người có công. Thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện. Việc làm cho người lao động cơ bản được bảo đảm. Hệ thống y tế, giáo dục, an sinh, trợ giúp xã hội tiếp tục được kiện toàn và mở rộng. Quy mô, năng lực, chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu được nâng lên. Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng được cải thiện. Nguồn lực thực hiện chính sách xã hội được Nhà nước ưu tiên đầu tư, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự tham gia của toàn xã hội...
Để thực hiện
được mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội XIII của Đảng đề ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng yêu cầu, Trung ương cần tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao
về nhận định, đánh giá tình hình, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; sự cần
thiết, đúng đắn việc ban hành Nghị quyết mới của Trung ương về vấn đề đặc biệt
quan trọng này. Từ đó, phân tích, dự báo một cách có cơ sở khoa học về bối cảnh
tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ mới; xác định rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo,
mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng,
hiệu quả các chính sách xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng
chính đáng của nhân dân trong thời kỳ mới.
Về tổng kết
20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn
kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương và các đại biểu
tham dự Hội nghị nghiên cứu thật kỹ, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, sát hợp với
tình hình và cho ý kiến về sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành Nghị quyết
mới và những nội dung chủ yếu của dự thảo Nghị quyết về "Tiếp tục phát huy
truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh,
phồn vinh, văn minh, hạnh phúc".
Về xây dựng
đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng nhấn mạnh, trong mọi thời đại và ở bất cứ quốc gia nào, đội ngũ trí
thức luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, có vị trí, vai
trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nên sức mạnh của
mỗi quốc gia, dân tộc.
Tổng Bí
thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, cho ý kiến đánh giá khách quan,
toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội
ngũ trí thức, từ đó đề ra quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ, giải
pháp chủ yếu tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đội ngũ trí thức; chú ý kế thừa những nội
dung còn nguyên giá trị của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, bổ sung, phát triển
những nội dung mới, phù hợp với thời kỳ mới.
Giữ vững ổn
định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước
Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tổng Bí thư nêu rõ, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết quan trọng này là việc làm cần thiết để Trung ương phân tích, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống tình hình, đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, phù hợp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực đã và đang có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường.
Tổng Bí
thư đề nghị cần phân tích thấu đáo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, thấy
rõ những biến đổi sâu sắc, diễn biến phức tạp, khó lường và dự báo xu hướng
phát triển trong thời gian tới để kịp thời bổ sung, phát triển một số quan điểm,
tư tưởng chỉ đạo, điều chỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho phù hợp với
tình hình mới. Trung ương cần tập trung làm rõ những thuận lợi, cơ hội cần nắm
bắt, khó khăn, thách thức phải vượt qua để chủ động từ sớm, từ xa, trong mọi
tình huống đều bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh
thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và Chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo
vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội
và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ vững ổn định
chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo định hướng xã hội
chủ nghĩa. Từ đó, cho ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết mới của Trung
ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Quy hoạch
cán bộ là cơ sở để làm tốt công tác đào tạo
Về quy hoạch
Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Chủ
tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Thực
hiện lời dạy của Bác, Đảng ta lâu nay luôn xác định: Cán bộ, nhất là cán bộ cấp
chiến lược, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận
mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ. Công tác cán bộ được coi là khâu then chốt
trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Trong công tác cán bộ, việc quy hoạch cán
bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để làm tốt công tác đào tạo,
bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ.
Xuất phát
từ ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt đó của công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến
lược, ngày 7/7/2023, căn cứ vào quy chế làm việc và Quy định số 50-QĐ/TW, ngày
27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ, Bộ Chính trị đã ban
hành Kế hoạch số 17-KH/TW về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031; trong đó xác định rõ
các quan điểm, nguyên tắc, mục đích, yêu cầu, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu, đối
tượng và độ tuổi, quy trình giới thiệu, phê duyệt quy hoạch và hồ sơ nhân sự, số
lượng phát hiện và giới thiệu đưa vào quy hoạch...
Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm,
thật sự khách quan, công tâm, thể hiện chính kiến đối với Tờ trình và dự kiến
Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV.
Theo VTV