Ủy ban Dân tộc mới
đây ban hành Thông tư 02/2022/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm
2025.
Đối với dự án: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu
tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), đối tượng áp dụng
gồm:
1. Doanh nghiệp, hợp
tác xã đang hoạt động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc vùng đồng
bào DTTS&MN có kế hoạch mở rộng kinh doanh, sản xuất.
2. Các doanh nghiệp,
hợp tác xã mới thành lập có các hoạt động và sử dụng lao động trên địa bàn các
xã ĐBKK thuộc vùng đồng bào DTTS&MN.
3. Các trường đại
học có đông sinh viên dân tộc thiểu số theo học và có các hoạt động hỗ trợ sinh
viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại các xã đặc ĐBKK thuộc vùng đồng bào
DTTS&MN.
4. Hộ gia đình, cá
nhân người dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại các xã, thôn
vùng đồng bào DTTS&MN.
Việc triển khai thực
hiện nội dung thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng
bào DTTS&MN phải đảm bảo các nguyên tắc sau: Mỗi xã ĐBKK có tối thiểu 1 mô
hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp được hỗ trợ. Mô hình được hỗ trợ phải tạo
việc làm, có hợp đồng thu mua sản phẩm cho ít nhất 15 hộ gia đình thuộc địa bàn
xã khu vực III.
Ưu tiên hỗ trợ cho
các mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc có từ 50% trở
lên số lao động là phụ nữ tham gia mô hình, các dự án phát triển sản xuất theo
chuỗi giá trị được hỗ trợ bằng nguồn vốn của Chương trình.
Mỗi mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp khi được lựa chọn hỗ trợ sẽ được nhận hỗ trợ theo giai đoạn không quá 3 năm dưới các hình thức: hỗ trợ một phần chi phí thực hiện mô hình, hỗ trợ cung cấp thông tin, hỗ trợ kết nối cá nhân/tổ chức chủ trì mô hình được tham gia các hoạt động của Hệ sinh thái thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS&MN, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh phát triển bền vững và mở rộng, phát huy hiệu quả đầu tư của Chương trình.
Các nội dung, định
mức hỗ trợ thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng
bào DTTS&MN được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư số
15/2022/TT-BTC.
Quy trình lập, phê duyệt kế hoạch thúc
đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư
Thông tư nêu rõ,
UBND cấp tỉnh giao cho một cơ quan trực thuộc chủ trì thúc đẩy khởi sự kinh
doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư (gọi tắt là Chủ trì khởi nghiệp cấp tỉnh),
phối hợp với sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn UBND cấp huyện xác định nhu cầu
và xây dựng kế hoạch thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư hằng
năm và cả giai đoạn. UBND cấp huyện giao cho một cơ quan trực thuộc chủ trì
thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư (Chủ trì khởi nghiệp
cấp huyện) phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và hoàn thiện kế hoạch
trình UBND cấp huyện phê duyệt.
Căn cứ vào quyết định
giao vốn của cấp có thẩm quyền, các cơ quan được giao thực hiện xây dựng kế hoạch
thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư. Quy trình xây dựng
kế hoạch thực hiện theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Nghị định số
27/2022/NĐ-CP.
Quy trình phê duyệt
kế hoạch thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư: UBND cấp
xã xây dựng kế hoạch hỗ trợ các mô hình thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp
gửi Chủ trì khởi nghiệp cấp huyện tổng hợp; Chủ trì khởi nghiệp cấp huyện chủ
trì, phối hợp với các phòng ban liên quan rà soát, xác định danh mục và lập kế
hoạch hỗ trợ các mô hình cấp xã trình UBND cấp huyện phê duyệt làm cơ sở để tổ
chức thực hiện.
Các sở, ban, ngành
và UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch hỗ trợ các hoạt động thu hút đầu tư gửi Chủ
trì khởi nghiệp cấp tỉnh tổng hợp trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Thông tư này có hiệu
lực thi hành từ 15/8/2022.
Theo Lan Phương – BCP