Đây là thách thức lớn khi năng suất lao động còn thấp so với một số nước trong khu vực.

Thừa thầy, thiếu thợ

Báo cáo đánh giá thực trạng chất lượng nhân lực ngành xây dựng của Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, cả nước đang có hơn 7 triệu lao động làm việc trong ngành. Trong bối cảnh nhu cầu xây dựng ở nước ta ngày càng tăng cao, số lượng lao động của ngành xây dựng sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Các chuyên gia dự báo mỗi năm ngành xây dựng sẽ tăng thêm khoảng 400.000 - 500.000 lao động. Số lượng lao động làm việc trong ngành xây dựng vào năm 2030 có thể đạt 12 - 13 triệu người.

 

Muốn nâng cao chất lượng lao động ngành xây dựng cần có chiến lược phát triển công nghệ lồng ghép với phát triển giáo dục nghề.

Tuy nhiên, số lượng lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ 11,8%. Số thợ bậc cao (bậc 6, 7) chiếm khoảng 7% nhân lực ngành. Đáng nói hơn nữa là cơ cấu bình quân giữa kỹ sư, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân học nghề ở nước ta hiện nay lần lượt tương ứng với tỷ lệ 1 - 1,3 - 0,5, trong khi các nước trên thế giới bình quân là 1 - 4 - 10. Tỷ lệ này đã phản ánh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” tại Việt Nam.

Như vậy, nhân lực ngành xây dựng nước ta đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Đây là thách thức lớn khiến năng suất lao động của nước ta còn thấp so với một số nước trong khu vực. Thực tiễn này đòi hỏi ngành xây dựng Việt Nam cần phát triển toàn diện về đào tạo, nhằm tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng nhân lực, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành xây dựng; gắn đào tạo với giải quyết việc làm.

Chia sẻ tại sự kiện gặp mặt đầu xuân giữa các doanh nghiệp ngành xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, hiện nay, lao động của ngành xây dựng chủ yếu gồm lao động ngắn hạn, chiếm 75%.

Họ xuất phát từ lao động nông nhàn, làm việc theo thời vụ, dự án, công trình và phần lớn không có tay nghề. Thực tế, tại dự án sân bay Long Thành, 48% lao động Việt Nam chỉ làm công tác san nền cùng một số việc thủ công khác. Còn liên quan đến kỹ thuật xây dựng, lắp ráp cột, kè, hàn… hầu hết do thợ nước ngoài đảm nhận.

“Chúng ta thua ngay trên sân nhà khi không đủ đội ngũ công nhân lành nghề. Hơn nữa, những dự án có nhiều người nước ngoài tham gia cũng không thuộc dạng hiếm. Đây trở thành điểm yếu của doanh nghiệp xây dựng Việt Nam”, ông Hiệp nhìn nhận.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VACC cũng cho rằng, tìm kiếm lao động đã khó, bổ sung được lao động lành nghề càng khó hơn. Từng có đơn vị làm dự án vì không tuyển đủ công nhân vốn trước đây lấy trong các đội ở Thanh Hóa, Ninh Bình, nên bắt buộc phải thuê người dân tộc.

Do đó, khi tới công trường thi công thì toàn công trường nói tiếng dân tộc và đương nhiên, họ chẳng qua bất cứ trường lớp đào tạo nào. Hệ quả khiến cả kỹ sư và nhà quản lý vô cùng vất vả khi phải cầm tay chỉ việc.

Định hướng lao động xây dựng

Nhìn nhận về thực trạng lao động ngành xây dựng, ông Nguyễn Đăng Vượng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần EuroWindow nhận xét, không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà là vấn đề chung của nhiều nước Đông Nam Á, ngay cả tại một số quốc gia hàng đầu như Hàn Quốc, Đài Loan.

Theo ông Vượng, ngoài máy móc và công nghệ thiết kế, lực lượng lao động đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhưng so với doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản suất thu hút lao động tốt hơn.

Bởi, cùng một lực lượng lao động song môi trường làm việc của ngành xây dựng rất khắc nghiệt, vừa thi công giữa môi trường nắng nóng, lạnh giá, mưa gió lại vừa nguy hiểm nên lao động có xu hướng tham gia vào doanh nghiệp điện tử, may mặc, chế biến… Chính điều này đã gây khó cho ngành xây dựng, trong khi phần lớn lao động quyết định chất lượng công trình.

Riêng về đào tạo lao động, lãnh đạo EuroWindow chia sẻ, đơn vị này gần như duy trì 100% lao động từ đào tạo chứ không thuê thời vụ, hợp đồng ngắn hạn. Tuy nhiên, dù đầu vào tiêu tốn thời gian, kinh phí nhưng sau đào tạo họ lại chuyển đi.

“Hiệp hội cần kiến nghị với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ phải có chương trình đào tạo, định hướng lực lượng lao động cho nhà thầu xây dựng, nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Cần thiết nhà thầu sẽ chuẩn bị ngân sách đặt hàng các trường dạy nghề lao động cho chính doanh nghiệp và cam kết sẽ sử dụng lao động”, lãnh đạo EuroWindow nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội VACC cho biết, cũng nhìn nhận phải hợp tác với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để có hướng đào tạo lâu dài nên đã ký kết với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đưa chương trình đào tạo của công nhân xây dựng vào chương trình đào tạo quốc gia.

Ngoài ra, ngành xây dựng muốn phát triển, tất yếu phải làm chủ được công nghệ kỹ thuật. Thực tế là doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế bởi vốn nhỏ nên việc chủ động tổ chức trường lớp đào tạo gặp khó. Như vậy, phải khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư, tổ chức đào tạo rồi cung cấp lại lao động cho doanh nghiệp nhỏ. Chỉ có thế mới đủ đội ngũ công nhân xây dựng lành nghề.

Đại diện một đơn vị xây dựng nêu quan điểm, các nhà thầu xây dựng cần tính toán không chỉ phát triển ở trong nước mà phải nghĩ đến việc xuất khẩu lao động, xuất khẩu xây dựng. Hiện nay, ở nhiều đơn vị đã xuất hiện xu hướng này bởi một số địa phương, đất nước đang có nhu cầu lao động xây dựng với số lượng lớn để tái thiết đất nước.

Tuy nhiên, với vấn đề lao động, vẫn còn ý kiến băn khoăn khi chúng ta đều thống nhất phải đi con đường chính thống, ký hợp đồng dài hạn với lao động có tay nghề. Dù các nhà thầu xây dựng gánh vác chủ yếu việc thực hiện tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 60 - 65% GDP), nhưng việc lại không đều. Nếu trong thời gian dài không có việc mà vẫn phải duy trì, trả lương cho đội ngũ này thì rất khó cho doanh nghiệp. Đây là bài toán mà các doanh nghiệp ngành xây dựng cần tiếp tục đi tìm lời giải.

GD&TĐ