Tùng Giang hiện không chỉ là một tay guitar “cừ khôi” mà còn là một trong người chắp bút sáng tác và hòa âm phối khí cho các ca khúc của ban nhạc Brainwave trong chương trình Rock Việt vừa qua.

Với Giang, rock và guitar không chỉ là sở thích thông thường mà còn là đam mê ngay từ khi còn nhỏ. Chỉ mới 20 tuổi nhưng cậu đã có kinh nghiệm chơi nhạc 10 năm và theo học chuyên nhạc từ khi mới 14 tuổi.

Với niềm đam mê âm nhạc đầy mãnh liệt, Giang hiện đang là sinh viên tại một Học viện âm nhạc tại TP.HCM với chuyên ngành sản xuất âm nhạc.

Vào năm 16 tuổi, Tùng Giang từng tham gia cuộc thi Yamaha Young Competition – Online Electric Guitar Talent 2018 và nhận được Giải 4 của bảng B, dù phải đối đầu với nhiều đối thủ nặng ký.

Để hiểu hơn về con đường chinh phục âm nhạc của cậu bạn, cũng như thị trường âm nhạc Việt Nam và thị hiếu của khán thính giả Thế hệ Z ngày nay thế nào, Vnindustry đã có một buổi kết nối cùng Tùng Giang.


Bạn hãy mô tả ngắn gọn về bản ngã của mình trong thế giới âm nhạc?

Như mọi người đã thấy trên sóng truyền hình và các nền tảng phát trực tuyến vừa qua – đó chính là nội tâm, thái độ chân phương và thật thà nhất của tôi trong thế giới âm nhạc.

Bạn có thể sáng tác và chơi thuần thục nhạc cụ guitar, cảm hứng của bạn sẽ bao gồm những gì để có thể thăng hoa?

Có thể nói, Guitar là nhạc cụ giúp tôi bắt đầu tiếp cận đến âm nhạc. Khoảng thời gian đầu tiên, tôi chỉ có một mình và cây đàn; song, may mắn thay, tôi được gia đình tin tưởng và ủng hộ đi theo con đường nghệ thuật, cũng như đầu tư cho tôi học chuyên sâu về âm nhạc.

Và như thế, sau một khoảng thời gian, cũng đã vừa đủ tự tin về các kỹ thuật xử lý guitar, tôi bắt đầu gặp gỡ những anh em trong hội chơi nhạc ở Đà Nẵng để cùng nhau tìm sự đồng điệu trong nghề, trong cảm xúc, và cùng nhau sáng tạo.

Bên cạnh đó, cảm hứng sáng tác của tôi bắt đầu từ những thứ đơn giản, có thể là vì “ tôi muốn nghe nhạc của chính mình? “, cũng có thể là những gì tôi nhìn thấy, hoặc chỉ đơn giản là một câu chuyện tôi nghĩ ra trong đầu với sự đối chiếu của thực trạng xã hội ngày nay. Một xã hội đang phát triển không ngừng nghỉ nhưng đâu đó, vẫn có những góc khuất với những mảnh đời kém may mắn.

Đúng là ở thời kỳ nào, giai đoạn phát triển nào cũng sẽ không bao giờ có sự hoàn hảo trọn vẹn tồn tại cả. Đó là cuộc sống!


Có nghệ sĩ artist nào để bạn noi gương học tập trong thế giới âm nhạc?

Thần tượng trong thế giới âm nhạc của tôi là Jacob Collier, một nghệ sĩ mà tôi rất nể phục cả về âm nhạc lẫn âm thanh, vì ngoài học âm nhạc ra, tôi còn học cả về ngành Sound Engineer; cho nên Jacob đối với tôi không chỉ là một thần tượng, mà còn là một sự thử thách đối với riêng bản thân trong thế giới âm nhạc.

Giang có từng nghĩ là những bản Rock cá tính do chính bạn sáng tác sẽ tạo được giá trị thương mại bằng cách tác quyền cho phía một ca sĩ chuyên nghiệp? Hay bạn sẽ giữ lại các sáng tác từng được trình bày trên cuộc thi để làm kỷ niệm? Nghệ sĩ Artist nào ở Việt Nam mà Tùng Giang muốn một lần tham gia cộng tác?

Đến giờ phút này, tôi vẫn chưa từng nghĩ đến việc tác quyền những ca khúc nhạc Rock của mình để tạo dựng giá trị thương mại; thế nên những sáng tác được trình bày trên cuộc thi, tôi nghĩ tốt nhất thì nên chỉ là bài thi!

Tùng Giang đã học được điều gì khi bước ra khỏi cuộc thi Rock Việt vừa qua?

Sau Rock Việt, ngoài kinh nghiệm sân khấu, hòa thanh phối khí, cũng như những tiểu tiết nhỏ khác trong âm nhạc,... thì cuộc thi còn giúp tôi học thêm được nhiều bài học ý nghĩa mang đậm dấu ấn cá nhân từ các band nhạc ở Rock Việt.

Rock Việt giúp tôi nhìn nhận ra được một số vấn đề về âm nhạc Việt Nam mà tôi nghĩ cá nhân của mỗi người nên tự trải nghiệm một lần trong đời nếu có cơ duyên với âm nhạc, tôi tin đó sẽ là một trong những hành trang khá vững chắc cho quãng đường âm nhạc của mình trong tương lai.


Bạn và band nhạc dừng lại ở vị trí Á quân tại cuộc thi – điều đó có gây tiếc nuối?

Sự tiếc nuối không tồn tại ở tôi, vì âm nhạc không phải cuộc đấu tố để tranh giành ngôi vị. Trong suy nghĩ của tôi, nhiệm vụ của tôi là chỉ cần đưa âm nhạc của mình đến cho mọi người , không đưa được âm nhạc tiếp cận một cách khách quan đến cho mọi người mới chính là điều tiếc nuối nhất của tôi.

Để miêu tả âm nhạc như một bức họa đa sắc, Tùng Giang cảm nhận thế nào về bức tranh Rock Việt ngày nay đối với Thế hệ Y & Z? Thị hiếu của khán giả Việt đối với Rock so với Pop Ballad và thể loại âm nhạc thị trường chưa đủ tinh hoa?

Không thể phủ nhận thị hiếu của khán giả nghe Rock với Pop ballad rất khác nhau, nhưng theo cảm nhận cá nhân, thể loại nào cũng có cái hay riêng, chỉ là tâm hồn của mình nên thoải mái một chút, không nên bó buộc mình vào bất kỳ một khuôn khổ trừu tượng nào mà âm nhạc tạo ra cả.

Nếu quyết tâm theo đuổi, hiện tại, thu nhập từ hoạt động cùng band có đủ để sinh hoạt với mức thoải mái?

Hiện tại, tôi vẫn đang trong quá trình học tập và trau dồi phát triển bản thân, band chỉ là niềm đam mê và trải nghiệm thêm với thực tế, được chơi nhạc cùng nhiều người sẽ giúp mang đến những điều mới mẻ hơn.


Tham vọng và hướng phát triển của bạn đối với âm nhạc nói chung và Rock nói riêng trong tương lai gần sẽ là?

Thú thật, ở thời điểm hiện tại, tôi đã không còn làm việc theo hướng band nhạc nữa. Giai đoạn gần nhất, tôi vẫn tập trung cho việc đi học âm nhạc của mình để ở một thời điểm đủ “chín muồi” thì sẽ làm một “cái gì đó” mang đậm màu sắc cá nhân của mình trong âm nhạc.

Vnindustry rất vui khi được Tùng Giang chia sẻ. Chúc bạn sẽ đạt được những điều tốt đẹp trên chặng đường chinh phục âm nhạc!

 

Ban biên tập Vnindustry