Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, nhà ở là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay của công nhân.

Tại nhiều địa phương, công nhân lao động phải sống trong các phòng trọ chật chội. Thậm chí, có thôn làng ở gần khu công nghiệp chỉ hơn 1.000 dân nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân. Điều này tạo sức ép rất lớn về mật độ dân số, hạ tầng xã hội...

Chẳng hạn như tại Hà Nội, hiện có 9 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 160.000 lao động. Một bộ phận lớn công nhân, lao động nhập cư phải thuê nhà trọ dân sinh với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo.


Dãy nhà trọ công nhân tại thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội).

Sau Tết Nguyên đán, Chị Nguyễn Thị Thiệp - công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam chuyển đến nơi ở mới rộng rãi hơn cho cả gia đình 4 người. Phòng trọ cũ được chị thuê với giá 900.000/tháng, số tiền này khá vừa túi tiền nhưng nơi ở chật chội, các con không có chỗ vui chơi nên chị tìm phòng mới giá 1,6 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền điện nước).


Căn nhà mới có 3 gian: 2 gian dùng để nghỉ ngơi, vui chơi, 1 gian bếp; nhà vệ sinh và gác xép.

Thuê ở nơi tốt hơn song nữ công nhân 26 tuổi vẫn lo lắng, vì cuộc sống còn khó khăn, tiền truê trọ đã đành, tiền điện cũng 3.000 đồng/số. "Số tiền này quá lớn so với điều kiện của công nhân” - chị Thiệp nói.

Chị Thiệp có 2 người con đang trong độ tuổi đi học mẫu giáo. Sắp tới vợ chồng anh chị dự định đón 2 con ra Hà Nội đi học, mỗi tháng tiền ăn học của các con lại thêm một khoản đau đầu với chị. Chồng chị làm nghề tự do, mùa dịch nên công việc hầu như không có, chi tiêu trong gia đình chủ yếu đều dựa vào lương của vợ.

Nói về mong muốn lớn nhất, chị Thiệp bày tỏ: “Tôi mong tổ chức công đoàn, công đoàn khu công nghiệp hỗ trợ cho công nhân được thuê nhà giá rẻ nhất có thể. Gần 2 triệu đồng thuê nhà là gánh nặng đè lên vai tôi”.


Mỗi ngày, chị Thiệp đều gọi cho con để vơi nỗi nhớ.

Còn Chị Vân – quê Bắc Kạn hiện đang thuê trọ cùng chồng và 2 người con ở thôn Mai Châu (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh). Nhà trọ hiện chị đang sống khá thoáng nhưng cơ sở vật chất đều đã xuống cấp.


Căn phòng này chị Vân thuê đã 10 năm nay, có giá hơn 1 triệu đồng.

Nhà trọ gia đình chị Vân thuê ở cuối ngõ, gần mương nên khá nhiều muỗi, ẩm ướt. Hoàn cảnh hiện tại chưa cho phép thuê chỗ rộng rãi hơn nên gia đình vẫn tá túc tại đây.

Chị Vân xin nghỉ làm công ty từ năm 2017, còn chồng vẫn tiếp tục làm ở công ty. Nhiều năm nay, cả gia đình đều trông chờ vào tiền lương làm công nhân của người chồng.

Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Vân đang đợi các con ổn định đến trường, chị sẽ xin đi làm công nhân. Nếu cuộc sống ổn định hơn mới tính đến chuyện thuê phòng khác.

Anh Hoàng Duy Thanh (sinh năm 1997, quê Thanh Hoá) – công nhân Công ty TNHH Hal Việt Nam tại nhà trọ ở thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung).

Trong căn phòng 8 mét vuông mà vợ chồng trẻ thuê với giá 500.000 đồng, anh Thái cho biết, những ngày mưa rả rích, quần áo phơi cả tuần cũng không khô nổi.


Theo anh Thanh, tiền thuê nhà không phải gánh nặng nhưng cũng khá đau đầu khi phải chi cố định hằng tháng, nhất là những tháng hè, thêm nhiều tiền điện nên tiền trọ có thể lên tới hơn 1 triệu đồng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện đang lấy ý kiến rộng rãi chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Về hỗ trợ lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, Bộ đề xuất mức 500.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng. Điều kiện là người làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm; đang thuê trọ từ ngày 1.1.2022 đến 30.6.2022.

Phương Hân - BLĐ