Mới đây, 7
công ty sản xuất tôn mạ, ống thép gửi văn bản kiến nghị lên Chính phủ và các bộ
ngành, cơ quan liên quan về phản đối việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá
sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu
từ Trung Quốc.
Trong văn
bản, 7 công ty cho biết Công ty TNHH
Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gửi hồ sơ yêu cầu Cục Phòng vệ Thương
mại khởi xướng điều tra CBPG đối với thép HRC. Đây cũng là động thái được ông
Nguyễn Việt Thắng, CEO Hoà Phát, chia sẻ trong buổi gặp mặt với các nhà đầu tư
chiều ngày 26/3 vừa qua.
Hiện tại
trong nước, sản phẩm HRC chỉ được sản xuất bởi hai doanh nghiệp là Hòa Phát và
Formosa Hà Tĩnh.
“Chúng tôi
bảy tỏ mối quan ngại sâu sắc về khả năng khởi xướng điều tra CBPG sản phẩm HRC
nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng cực kỳ
tiêu cực và nghiêm trọng đến toàn ngành thép Việt Nam và cả nền kinh tế nói
chung”, 7 doanh nghiệp cho biết.
Theo nhóm
các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép, nhu cầu tiêu thụ HRC của toàn Việt
Nam hiện đang nằm trong khoảng 10 triệu đến hơn 13 triệu tấn mỗi năm, vừa phục
vụ cho việc sản xuất thành phẩm, vừa dự trữ lượng hàng tồn kho cần thiết cho hoạt
động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên,
sản lượng nội địa chỉ khoảng 8 triệu tấn. Giả định Hoà Phát và Formosa chạy tối
đa công suất và chỉ bán nội địa, không bán xuất khẩu thì vẫn không đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Bên cạnh
đó, hiệu quả sử dụng công suất của Hoà Phát đã đạt gần đỉnh là 97% trong năm
2023 và Formosa đạt hiệu quả sử dụng công suất khá tốt là 73% trong năm 2023.
Như vậy,
cung HRC trong nước hiện đang không thể đáp ứng đủ nhu cầu, buộc các doanh nghiệp
Việt Nam phải nhập khẩu.
Theo Báo
cáo Hiệp hội Thép Việt Nam tháng 12/2023, sản lượng HRC bán nội địa trong năm
2023 đạt 3,4 triệu tấn, được phân bổ bán cho các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ,
tôn màu, ống thép để làm nguyên liệu phục vụ cho công đoạn sản xuất kế tiếp.
Như vậy, sản lượng các nhà sản xuất HRC Việt Nam bán tại thị trường nội địa hiện
chỉ có thể đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu HRC của toàn Việt Nam.
Ngoài ra,
nhóm 7 doanh nghiệp cho rằng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam không bán
phá giá.
Theo quy định
trong trường hợp biên phá giá >2%, hàng hóa nhập khẩu được xác định là có
bán phá giá và ngược lại, biên phá giá ≤ 2% thì không có hành vi bán phá giá của
hàng hóa nhập khẩu.
Tuy nhiên,
theo tính toán của các doanh nghiệp này, biên độ phá giá thép HRC nhập khẩu chỉ 1,26%.
7 doanh
nghiệp thép cũng chỉ ra thực tế Hoà Phát và Formosa luôn luôn bán HRC cho các
doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam với giá cao hơn giá nhập khẩu.
Qua thực
tiễn nhập mua HRC với hóa đơn mua hàng đầy đủ có thể chứng minh dữ liệu về
giá, giá bán HRC từ các nhà sản xuất Việt
Nam luôn cao hơn so với giá nhập khẩu từ 10 – 20 USD/tấn, cao điểm có thể chênh
lệch tới 40 – 50 USD/tấn.
"Như
vậy hoàn toàn không có chuyện các nhà sản xuất HRC Việt Nam phải giảm giá bán,
giảm lợi nhuận để có thể cạnh tranh với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc", nhóm 7 doanh nghiệp cho biết.
Do vậy các
doanh nghiệp cho rằng việc áp thuế phòng vệ thương mại hoặc xây dựng bất kỳ rào
cản thuế quan, phi thuế quan nào khác đối với HRC nhập khẩu đều làm giảm khả
năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép nội địa, hơn nữa
còn làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các doanh nghiệp
cũng như tác động đến các ngành nghề khác như xây dựng, bất động sản, công nghiệp,
logistics…
Theo Tổng Cục hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam hơn 2,6 triệu tấn, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thép từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng tới gần 70%, tương đương 1,8 triệu tấn, trị giá hơn 1,1 tỷ USD. Con số này tăng đột biến so với 2 tháng đầu năm 2023, gấp 3 lần về lượng và 2,3 lần giá trị.
Mặt hàng
thép cuộn cán nóng chiếm phần lớn (khoảng 78%) trong cơ cấu chủng loại thép
thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm. Tỷ trọng
này trong năm 2023 là 73%.
VNB