Nghiên cứu mở ra hướng mới trong việc tìm kiếm liệu pháp kháng virus từ thiên nhiên. Đặc biệt, 2 hợp chất mới, cis-paratrimerin B và cis-paratrimerin A được phân lập từ rễ loài Xáo tam phân cùng các hợp chất biscoumarin khác hứa hẹn có ứng dụng hiệu quả trong y học và dược phẩm.
Xáo tam phân (Paramignya trimera (Oliv.)
Burkill) là loài cây bụi thân gỗ thuộc họ Cam Chanh-Rutaceae, phân bố chủ yếu ở
tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Trong dân gian, rễ của loại thảo dược này được dùng để
điều trị các bệnh về gan, đặc biệt là xơ gan cổ chướng. Rễ của Xáo tam phân có
thành phần hóa học chính là các coumarin và coumarin glycoside, ví dụ như
ostruthin, ninhvanin và paratrimerin A, B…
Cây thuốc Xáo tam phân (Paramignya trimera) - Ảnh: Nguyễn Mạnh Cường
Đại dịch COVID-19 và các biến thể mới của
virus SARS-CoV-2 đã đặt ra nhu cầu cấp bách về các phương pháp điều trị mới bên
cạnh vaccine. Trong cơ thể người, enzyme ACE-2 đóng vai trò quan trọng trong việc
điều chỉnh huyết áp và cân bằng nước trong cơ thể. Nó giúp chuyển đổi một số chất
có thể làm ảnh hưởng đến mạch máu, từ đó giúp giãn mạch và giảm viêm. Tuy
nhiên, ACE-2 cũng chính là “cửa ngõ” mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để bám và xâm
nhập vào tế bào người qua protein S trên bề mặt virus. Vì vậy, việc ngăn chặn
hoạt động của ACE-2 có thể giúp ngăn virus xâm nhập và phát triển trong cơ thể.
Do vậy, việc tìm kiếm và khai thác các hợp chất tự nhiên từ cây thuốc nhằm ức
chế sự liên kết giữa virus SARS-CoV-2 và thụ thể ACE-2 đang thu hút sự quan tâm
nghiên cứu như một chiến lược điều trị hứa hẹn.
Ngoài ra, các hợp chất có khả năng điều hòa
miễn dịch, kháng viêm cũng được quan tâm nhằm ngăn chặn hội chứng “cơn bão
cytokine”, nguyên nhân chính gây tổn thương đa cơ quan ở bệnh nhân COVID-19.
Đáng chú ý, các nghiên cứu gần đây còn cho thấy mối liên hệ giữa viêm kéo dài
trong não với nguy cơ suy giảm trí nhớ hậu COVID-19. Trong đó, khoảng 60 - 80%
bệnh nhân có biểu hiện sa sút trí tuệ và tại Việt Nam tỷ lệ này ở mức 65,8% đối
với các ca nhẹ (số liệu từ Đại học Y Hà Nội).
Trước thực tế đó, GS.TS. Nguyễn Mạnh Cường và
nhóm nghiên cứu Viện Hoá học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã
triển khai đề tài: “Đánh giá tác dụng kháng viêm và ức chế virus SARS-CoV-2 của
một số hợp chất tiềm năng tách chiết từ cây thuốc Việt Nam” (mã số:
KHCBSS.01/21-23). Nghiên cứu nhằm phân lập và đánh giá các hợp chất thiên nhiên
có hoạt tính sinh học tiềm năng, đặc biệt là khả năng ức chế virus SARS-CoV-2,
tác dụng kháng viêm và bảo vệ tế bào thần kinh.
GS.TS. Nguyễn Mạnh Cường tại phòng thí nghiệm
Theo định hướng nghiên cứu các cây thuốc có
khả năng tác động đến thụ thể ACE-2 - đích tấn công của virus SARS-CoV-2 khi
xâm nhập cơ thể người, nhóm đã phân lập được 4 hợp chất bis-coumarin glycoside
mới gồm cis-paratrimerin A, B và trans-paratrimerin A, B (1–4) từ rễ cây Xáo
tam phân (Paramignya trimera (Oliv.) Burkill) tại Khánh Hòa, Việt Nam. Các hợp
chất này được phân lập bằng cách kết hợp các phương pháp sắc ký cột thường, sắc
ký Sephadex, sắc ký pha đảo và sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC). Trong số đó, 2
hợp chất cis-paratrimerin B (1) và cis-paratrimerin A (2) thể hiện hoạt tính ức
chế ACE-2 in vitro với giá trị IC₅₀ lần lượt là 28,9 μM và 68,1 μM. Ngoài ra, cả
cao chiết nước và cao chiết ethanol từ rễ cây Xáo tam phân cũng cho thấy khả
năng ức chế ACE-2 trên in vitro.
Sử dụng phương pháp nghiên cứu mô phỏng trên
máy tính, 4 biscoumarin glycoside, bao gồm cis-paratrimerin A, B và
trans-paratrimerin A, B (1-4) có ái lực liên kết cao với protein ACE-2 (với các
giá trị ΔG là −14,70, −12,95, −11,94 và −10,69 kcal/mol). Các biscoumarin
glycoside của cây Xáo tam phân là các hoạt chất ức chế ACE-2 tiềm năng và cần
được nghiên cứu sâu hơn trong việc điều trị các bệnh liên quan đến virus nói
chung và COVID-19 nói riêng. Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác dụng ức chế
ACE-2 in vitro và in silico của cây thuốc Việt Nam trong hướng ngăn chặn và điều
trị COVID-19 (Nguyen Xuan Ha và cộng sự, Chem. Pharm. Bull., 2024).
Rễ cây Xáo tam phân và cấu trúc của hoạt chất mới cis-paratrimerin B (1) và
cis-paratrimerin A (2)
Theo GS.TS. Nguyễn Mạnh Cường: Ở bệnh nhân
nhiễm SARS-CoV-2, hội chứng “cơn bão cytokine” là nguyên nhân chính gây phản ứng
viêm quá mức, làm trầm trọng diễn tiến bệnh và gây tổn thương đa cơ quan. Việc
tìm kiếm các hợp chất tự nhiên có tác dụng kháng viêm mạnh từ dược liệu bản địa
được xem là hướng nghiên cứu tiềm năng trong hỗ trợ và điều trị bệnh.
Trong đề tài này, nhóm đã bước đầu ghi nhận
những kết quả nổi bật trong việc phát hiện tác dụng kháng viêm từ nhiều loại
cây thuốc Việt Nam. Cụ thể, nhóm đã xác định 5 loại cao chiết thực vật có khả
năng kháng viêm mạnh, gồm Đại hoàng (Rheum officinale), cành lá loài Huỳnh đàn
báp (Dysoxylum tpongense), rễ loài Nhó đông (Morinda longissima), thân rễ loài
Thông Krempf (Pinus krempfii) và hạt loài Chanh leo tím (Passiflora edulis).
Ngoài ra, cao chiết từ rễ cây Nhó đông và hạt
chanh leo tím được đánh giá cao cả về mặt khoa học lẫn khả năng ứng dụng trong
dược phẩm. Hai loại cao chiết này cần được nghiên cứu tiếp để phát triển thành
thuốc điều trị các bệnh lý liên quan đến viêm và suy giảm trí nhớ, đặc biệt
trong việc bảo vệ tế bào thần kinh.
Trong thử nghiệm trên động vật, cao chiết cồn
từ rễ cây Nhó đông (MLE) cho thấy hiệu quả kháng viêm mạnh trên chuột thí nghiệm.
Phân tích thành phần hóa học bằng phương pháp HPLC-HR-MS xác định các hợp chất
chính trong cao chiết là anthraquinone và anthraquinone glycoside. Các nghiên cứu
mô phỏng trên máy tính cho thấy, những hợp chất này có khả năng ức chế enzyme
COX-2, một enzyme quan trọng kích hoạt phản ứng viêm trong cơ thể (Hafidha
Mehallah, Nguyen Manh Cuong và cộng sự, Journal of Ethnopharmacology, 2024).
Ngoài ra, nhóm cũng phát hiện cao chiết giàu
hợp chất stilben từ hạt chanh leo tím, với hàm lượng phenol tổng cộng là 413,87
± 1,71 mg GAE/g. Các hợp chất chính gồm trans-piceatannol, scirpusins A, B và
cassigarol. Khi thử nghiệm ở liều 100 và 200 mg/kg, cao chiết này thể hiện khả
năng giảm stress oxy hóa và viêm trong não, đồng thời bảo vệ tế bào thần kinh
trên mô hình chuột bị thoái hóa thần kinh do D-galactose và AlCl₃ gây ra.
Các phân tích mô phỏng cũng cho thấy 2 hợp chất
stilben nổi bật là cassigarol E và scirpusin A có khả năng ức chế mạnh enzyme
acetylcholinesterase (AChE) và butyrylcholinesterase (BChE), 2 enzyme liên quan
đến các rối loạn suy giảm trí nhớ (Nadjet Mostefa, Nguyen Manh Cuong và cộng sự,
Chemistry and Biodiversity, 2023).
Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm đã
công bố 5 bài báo quốc tế, trong đó có 1 bài thuộc danh mục SCI Q1, 4 bài SCIE,
2 bài báo quốc gia, đăng ký 2 giải pháp hữu ích đã được chấp nhận đơn hợp lệ và
góp phần đào tạo 2 học viên cao học.
Kết quả nghiên cứu đã mở ra hướng đi mới cho
việc ứng dụng phụ phẩm nông nghiệp như hạt chanh leo trong bào chế thuốc kháng
viêm và bảo vệ thần kinh. Đồng thời, nghiên cứu còn góp phần hỗ trợ điều trị
các bệnh lý suy giảm trí nhớ, đặc biệt là ở những bệnh nhân hậu COVID-19.
GS.TS. Nguyễn Mạnh Cường (ngoài cùng bên trái) cùng đối tác Mông Cổ và nhóm
nghiên cứu trong phòng thí nghiệm
GS.TS. Nguyễn Mạnh Cường đặc biệt nhấn mạnh
tiềm năng lớn của một số dược liệu như Xáo tam phân (Paramignya trimera), Nhó
đông (Morinda longissima) và Chanh leo tím (Passiflora edulis), những loài này
có trữ lượng dồi dào và hoạt tính sinh học mạnh. Ông cho rằng cần tiếp tục
nghiên cứu sâu hơn về cơ chế tác dụng kháng viêm, kháng virus, chống suy giảm
trí nhớ của các loài này từ đó phát triển các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cộng đồng
dựa trên nguồn dược liệu quý trong nước.
VAST